trong cô đơn, ta tìm thấy chính mình
Sự vận động xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, càng khiến phần đông con người coi sự hòa nhập, năng động hay hướng ra bên ngoài là việc nên làm. Và thế, cô đơn thường được nhìn nhận với một thái độ khá tiêu cực. Và từ đó, chẳng ai muốn rơi vào tình trạng này vì sợ bị phán xét hay xa lánh. Ví như, khi lớn lên, ai ai cũng muốn tìm kiếm cho mình một người để yêu, để gắn bó, với mong muốn người đó sẽ lấp đầy những thiếu vắng bên trong tâm mình. Họ tìm kiếm một người yêu để thoát khỏi sự cô đơn. Tuy nhiên, khi mối quan hệ ấy kết thúc, họ tỏ ra rất khó chịu với sự cô đơn trống trải bên trong mình. Theo bản năng, họ lại tiếp tục đi trên con đường tìm kiếm người yêu mới. Cứ thế, họ luôn mặc định trong đầu rằng việc tìm kiếm nửa kia mới có thể giúp cuộc sống tinh thần trở nên tròn đầy.
Nền giáo dục của chúng ta chú trọng việc hướng ra bên ngoài, hầu hết đều cho rằng phải hướng ngoại thì mới có được một công việc tốt cùng những mối quan hệ tốt. Nhưng trải nghiệm cuộc sống càng nhiều, con người sẽ càng nhận ra giá trị của việc hướng vào bên trong. Bởi chỉ có nhìn vào bên trong, ta mới có thể nhận diện những đứt gãy tổn thương mà tinh thần đang chịu đựng để thanh lọc, chữa lành, điều mà hướng ngoại sẽ không bao giờ là một giải pháp bền vững.
Đi từ góc độ này, cô đơn thực chất là hướng vào bên trong. Và bởi việc hướng vào bên trong là lẽ thường tình nên cô đơn chẳng phải là một trạng thái bất thường. Ở giữa một bữa tiệc đông người, ta cũng có thể sẵn sàng đón nhận cô đơn. Giữa căn phòng trống vắng, ta cô đơn để quán xét tâm mình. Cô đơn là đối diện với chính mình, điều mà hướng ngoại hiếm khi thực hiện nghĩa vụ ấy cho thật sâu sắc. Thậm chí nhiều người cố hướng ngoại để tránh đối diện với những gì diễn ra bên trong bản thân, họ chạy trốn khỏi chính mình, và thế họ luôn lạc mất chính mình.
Cô đơn không hẳn là ngắt kết nối với tất cả mọi thứ bên ngoài, hay trốn tránh xã hội. Đó là cách người đời dán mác nỗi cô đơn. Họ cho rằng những người cô đơn là những người cần được cứu rỗi, bởi thế họ thường nhìn những người này bằng ánh mắt thương hại. Cũng từ cách hiểu ấy, mà khi rơi vào trạng thái thiếu kết nối với bên ngoài, người ta cũng hay dùng tính từ cô đơn để miêu tả cảm xúc trống trải và khó chịu ấy. Nhưng có một cô đơn, gọi là cô đơn mở lòng, nghĩa là sẵn sàng đón nhận cô đơn, để thay vì cảm thấy bản thân ở trong nỗi trống trải, thì bây giờ, họ chính là người quan sát những đứt gãy tâm hồn, những xúc cảm suy nghĩ, để hiểu nội tại của mình hơn.
Những người biết quay về bên trong quán xét chính là những người cô đơn mở lòng. Họ sẽ vượt được khỏi cảm giác trống rỗng khó chịu để bước đến kinh nghiệm rằng cô đơn là bản chất của chính mình. Và trong cô đơn mở lòng ấy, họ mới biết chính mình.
Khi người ta hiểu được cuộc sống vô thường cùng với những vận động liên tục trong từng sát na, họ sẽ giữ cho mình sự thấu biết sâu sắc rằng những mối quan hệ mà mình có cũng luôn thay đổi như vậy. Khi sinh ta, ta có cha mẹ người thân cạnh bên nhưng không có nghĩa là sự cạnh bên ấy sẽ là mãi mãi. Khi lên trường đi học, những người bạn ta chơi lúc này có thể sẽ không cùng ta trong những năm tháng sau này. Khi yêu một ai đó, dẫu tình yêu ấy có sâu sắc thăng hoa, thì cũng không tránh được việc nhân duyên có thể khiến mỗi người đi trên từng ngã rẽ khác nhau.
Thấu biết quy luật vô thường là nền tảng vô cùng quan trọng để nhận ra việc nắm giữ điều gì đó sẽ gây nên một tâm đau khổ và phiền não, từ đó mà học cách buông bỏ những điều không thực sự thuộc về mình, và rằng dường như không một ai ngoài chính mình thực sự thuộc về mình. Khi sẵn sàng ở trong trạng huống cô đơn, người ta cũng sẽ trở nên độc lập hơn, và thấy tự do thực sự bắt nguồn từ lúc dám đối diện với chính mình.
Một tình bạn tâm linh thấu biết họ đến với nhau để học hỏi lẫn nhau nhưng sự cô đơn mở lòng trong họ sẵn có để họ có thể đối diện với bất cứ nhân duyên nào xảy đến với họ. Họ kết nối với nhau thông qua sự cô đơn ấy, và độc lập với nhau cũng thông qua sự cô đơn ấy. Chính nhờ cô đơn, mà họ nương tựa nhưng không dựa dẫm vào nhau, họ gắn bó nhưng không bị phụ thuộc và ràng buộc. Khi đó, tình bạn tâm linh đã đạt đến tự do cả về thể xác lẫn linh hồn. Để đi đến sự tự do ấy, con người cần ở trong tình bạn tâm linh với chính mình trước. Thay vì chống đối sự cô đơn, hãy làm bạn với nỗi cô đơn, để thông qua sự cô đơn ấy, biết được bản chất nội tâm của chính mình để chấp nhận và yêu thương. Bởi chỉ có như vậy, họ mới thoát ra được khỏi trạng thái dằn vặt và mâu thuẫn, cùng đó là tự do khỏi việc cố gắng tìm kiếm cho mình một người để chạy trốn khỏi sự trống trải, và thực chất, việc tìm kiếm một người nào đấy đôi lúc cũng chỉ để thỏa mãn ham muốn ái dục của chính mình.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng ta trốn chạy và từ chối nhân duyên. Cuộc sống của mỗi cá nhân đều có những riêng tư khác biệt, mỗi lựa chọn đều mang đến những bài học quý báu. Và chỉ ở trong những mối quan hệ, ta mới mới rút ra được thông điệp bản chất cuộc sống cho mình. Nếu bạn bén duyên tình cảm với một người nào đó, hãy trải nghiệm bằng sự chân thành và trìu mến, và nhớ cho mình những khoảng lặng cô đơn nhất định để thấu hiểu bản thân và thấu hiểu cho đối phương khi tương tác trong mối quan hệ này.
Trong yêu đương, đối phương như một tấm gương để mình soi vào. Ở đó, bạn sẽ thấy những ghen tuông, giận dữ, chiếm đoạt,… được thể hiện một cách dữ dội nhất, những cảm thọ và suy nghĩ mà trước đây, khi chỉ một mình bạn chẳng bao giờ có dịp trải nghiệm thì nay ùa về như thác lũ. Nếu cả hai không dành cho mình những khoảng lặng để nhìn nhận, những cảm xúc và suy nghĩ xấu ấy sẽ dẫn đến những rạn rứt, và đặc biệt là lòng nghi hoặc chán ghét nhau. Ngày nay, những đôi uyên ương đến với nhau nhằm giải quyết nhu cầu sinh lý cũng như giải tỏa nỗi trống trải thường không thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và bền vững. Nếu chỉ vì dục, họ cũng có thể đến với người này hay người khác. Nếu chỉ vì giải tỏa nỗi cô đơn, thì họ cũng có thể chán ghét nhau khi đối phương không thể giúp mình thoát khỏi thiếu vắng bên trong. Sự dựa dẫm vào một đối tượng để làm hài lòng bản thân rõ ràng chẳng thể mang đến kết quả lâu bền. Một người tình có thể giúp bạn giải quyết cơn thèm dục trong chốc lát, nhưng không thể cứu rỗi tâm hồn đơn độc của bạn suốt đời.
Liều thuốc tinh thần hiệu nghiệm nhất chỉ là mình tự giúp mình, và chỉ khi tinh thần mình đủ vững chãi, thì khi đó, những mối quan hệ xung quanh mình mới thực sự khỏe khoắn, lành mạnh.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.