sống thiền là trở về thực tại
Với tôi, việc thiền không phải là hành thiền mà làm sao để sống thiền. Không phải cứ ngồi một chỗ, bán kiết già hay kiết già mới gọi là thiền, mà làm sao để đưa thiền vào sinh hoạt hàng ngày. Làm sao để sống có chánh niệm tỉnh giác (tức thận trọng - chú tâm - quan sát) trong từng phút giây. Và việc sống thiền này tức là trở về thực tại, trở về thực tại có nghĩa là buông xả. Nhưng nhiều người lại không có một sự hiểu biết đúng đắn về buông xả nên dẫn đến việc thiền sai.
Buông xả ở đây là về thái độ chứ không phải là trạng thái. Chẳng hạn, khi một người nói một điều gì đó khiến cho bạn cảm thấy buồn, thì thái độ của bạn mới chính là nguyên nhân gây ra trạng thái nỗi buồn ấy. Thái độ của bạn cho rằng người đó đang xúc phạm và gây tổn thương nặng nề đến bạn, rồi thái độ bạn quay ra hằn học và thù ghét họ. Thái độ này khiến trạng thái buồn thêm buồn mà thậm chí là sân hận. Nhưng, phần lớn con người chỉ muốn thay đổi trạng thái buồn ấy mà không đi đến thay đổi thái độ.
Cũng tiếp tục ví dụ trên, khi bạn buồn như vậy, bạn rủ bạn bè đi nhậu hay xem một bộ phim cho đỡ buồn, nhằm thay đổi trạng thái buồn này. Nhưng khi đi nhậu với bạn bè về, khi xem xong một bộ phim, nỗi buồn ấy vẫn cứ đeo bám bạn vì thái độ của bạn về nó không hề thay đổi. Vậy thái độ đúng ở đây là gì? Đó là không chống đối, không phán xét, hãy có mặt trọn vẹn với nỗi buồn. Và đây cũng chính là ý nghĩa đích thực của buông xả. Tức buông xả là thái độ không xen vào, không phân tích đúng sai, không phản ứng với các trạng thái đang diễn ra trong tâm. Buông xả giúp ta thấy bản chất (sinh ra và diệt đi) của hiện tượng và trả thực tại lại cho thực tại như nó đang là. Vì khi thái độ còn tạo tác thì càng không thể thấy thực tại. Chỉ khi buông xả, ta mới cảm nhận rõ nội tâm thanh tịnh và thấy rõ các pháp (tức sự vận động của mọi sự vật - hiện tượng).
Hãy liên tưởng đến mặt hồ, khi không có một tạo tác gì lên mặt hồ, nó sẽ trở nên tĩnh lặng và thông qua mặt hồ tĩnh lặng ấy, bạn mới có thể soi xuống hồ có những gì. Nhưng nếu bạn có một tạo tác lên mặt hồ thì nó sẽ luôn rung động và bạn không bao giờ có thể nhìn thấy dưới hồ. Phần lớn những người khi thiền đều ít nhất một lần gặp sai lầm này, tức họ chỉ muốn thay đổi trạng thái trong họ. Khi họ buồn bã và đau khổ, họ chỉ muốn thiền định để có ngay sự an vui và tĩnh tại. Nhưng cách thiền này sẽ mang đến nhiều vấn đề và sự nguy hiểm, vì trạng thái thì bao giờ cũng thay đổi và vận động theo bản chất. Khi sự an vui tĩnh tại không còn, họ sẽ cảm thấy vô cùng hoang mang và lại muốn quay vào thiền để có trạng thái an nhiên. Việc thiền này không đúng nghĩa mà chỉ khiến cho bạn thêm bám chấp mà thôi. Đó là lý do vì sao nhà Phật luôn nhấn mạnh về 3 yếu tố giới - định - tuệ là phải luôn đi cùng nhau. Còn nếu chỉ dừng ở thiền định, mà không có chánh niệm tỉnh giác thì không thể sống trong thực tại.
Thiền không phải là điều gì đó cao siêu, không phải là một pháp môn để bạn đạt trạng thái siêu việt nào. Thiền đúng nghĩa là đưa ta về thực tại, và thấy thực tại đúng như nó đang là. Gautama Buddha từng nói nếu ai biết sống trong thực tại, thì thực tại này chính là niết bàn. Niết bàn chẳng phải là một cõi nào đó xa xôi. Niết bàn chỉ đơn thuần phản ánh tâm thức của một người. Nếu tâm thức của một người bây giờ là ác độ và luôn làm điều ác, thì thế giới này của anh ta là địa ngục. Như vậy, ai sống trọn vẹn với hiện tại ngay bây giờ và ngay lúc này thì có nghĩa họ đang ở trong niết bàn. Đó là lý do vì sao, tôi hướng đến việc sống thiền chứ không phải là cứ ngồi xuống mới gọi là thiền.
Có một số người thắc mắc với tôi rằng tại sao sếp và đồng nghiệp của họ cũng thực hành thiền mà lại đối xử theo cung cách không hề giống một người có thiền một chút nào. Tôi mới trả lời rằng, thực ra, dù người đó có thiền 10 năm hay trăm năm mà thái độ không đúng thì việc thiền đó là hoàn toàn vô nghĩa. Sống thiền nằm ở thái độ chứ không phải là hoạt động mà người đó cho là thiền. Dù anh có hưởng được chút an vui khi thiền nhưng trong cuộc sống, anh vẫn tạo tác những điều bất thiện, thì việc thiền đó không có ý nghĩa. Hơn nữa, hiện nay, cũng có người khi thiền, ăn chay, niệm Phật,... lại tự cho rằng mình thanh cao hơn người khác, thì đó lại là biểu hiện của sự ngã mạn. Mà ngã mạn cũng là một biểu hiện của vô minh mà ra. Như vậy, việc thiền, ăn chay, niệm Phật,... này hoàn toàn là hoạt động thô mà bản chất sâu xa thì đã thực sự sai lầm mất rồi.
Chúng ta cần nhận biết một chân lý rằng bản chất của mọi hiện tượng là vô thường, là luôn vận động (cảm xúc, suy nghĩ, ... đều vận động, đều từ sinh đến diệt), vì thế chỉ có thái độ buông xả thả lỏng mới đúng pháp. Còn nắm giữ, dính mắc tức là đang ngược dòng, ngược pháp, và đó là lý do vì sao nắm giữ, bám chấp sinh đau khổ. Khi hiểu được điều này, thì ta sẽ dễ dàng đưa thiền chánh niệm vào cuộc sống hằng ngày và cứ sống thiền chứ không phải là hành thiền nữa. Khi nấu ăn, khi tắm rửa, khi làm việc,... ta thận trọng, chú tâm và quan sát thân - tâm lẫn môi trường xung quanh mình. Chúng ta sẽ nhận thấy đúng rằng tất cả cảm xúc suy nghĩ cứ sinh rồi diệt. Nếu ta quan sát sáng suốt không gây ra phản ứng gì thì tất cả mọi khổ - lạc cứ thế qua mà không hề dính mắc một chút nào.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.