cái khó ló cái khôn
Mình bảo bạn: Trong cái khó, ló cái khôn. Ông trời chẳng bao giờ tuyệt đường sống của bất cứ một ai. Quan trọng là mình có chịu linh hoạt, có chịu đi tìm cho mình một cơ hội làm việc hay không mà thôi. Chỉ cần không làm biếng, chỉ cần chăm chỉ lao động, không hại ai, không hại mình, thì lao động đó là tốt đẹp. Không bao giờ có chỗ cho việc phân chia đẳng cấp lao động. Lao động chân tay hay lao động trí óc, là hoàn toàn bình đẳng. Một nhà trí thức phải có gạo ăn từ một người làm nông. Cả hai nương nhờ vào nhau mà sống. Nếu trên đời không có người nông dân, không có xã hội. Chưa kể bây giờ không ít người có học chọn về quê làm nông. Ai mà có mảnh vườn là hạnh phúc khôn tả.
Mình nhớ khi xưa, còn bé tý, đồng tiền đầu tiên mình kiếm được là từ việc mò cua. Đó là những đêm hè, nước lắp xắp ở những mảnh ruộng mạ non, trẻ con cả xóm làng ùa nhau ra đồng mò cua bắt ốc. Hôm đó mình kiếm được 29 ngàn đồng. Ở tuổi lên 12, kiếm tiền vui nhưng không dễ. Đêm thứ hai rớt xuống còn 14 ngàn. Dường như mình cũng có chút buồn thì phải, vì mình là đứa mò cua dốt nhất do mắt kém (bị cận thị). Sau những mùa gặt, đám trẻ con ra đồng nhặt nhạnh những bông lúa còn sót lại, và lấy đó làm niềm vui chứ không bao giờ than phiền. Nhưng người thành phố thấy vậy có thể nghĩ rằng đám trẻ con quá khổ. Nhưng chưa chắc, tụi mình lúc ấy không thấy khổ. Tâm vẫn trong sáng, vẫn hồn nhiên, vất vả chân tay là có, nhưng không có tham, sân, si, thành ra vẫn rất vui tươi trong trẻo. Phụ hồ, bón phân, chăn trâu, cắt cỏ, gặt lúa, gieo mạ,... trong suốt bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, tất cả những công việc (được cho là nặng nhọc) ấy, tụi mình đều đã trải qua trong những năm tháng còn quá bé nhỏ. Mình không nhớ lúc ấy mình đã cảm thấy như thế nào, nhưng bây giờ nghĩ lại, yêu sao một thời tuổi thơ trong vắt và hồn nhiên. Nếu không có những năm tháng vất vả và có phần chông chênh khó nhọc ấy, không có một nội tâm mạnh mẽ và vững chãi như bây giờ. Thành ra, nỗi đau là món quà vi diệu của cuộc sống.
Những đứa con sinh ra trong gia đình làm nông không thường trải nghiệm sự nuông chiều thái quá của cha mẹ, mà nếu có, thì cũng chỉ xuất hiện một cách phù hợp hay thoáng qua. Vì đứa trẻ của gia đình làm nông nào sinh ra ở quê cũng thường có một số phận vậy thôi, nên mình không nhấn mạnh rằng tuổi thơ của mình là khó khăn hay vất vả. Đó là tình hình chung. Và vì thế, mỗi khi nghĩ về thuở nhỏ, đó là sắc màu của vui tươi, và là sắc màu của sự nỗ lực bền bỉ. Thoáng qua trong đó những buồn tủi, những đau khổ, nhưng bây giờ nhớ lại, lại vô cùng biết ơn.
Thời gian học Phật, mình thấy ngay sau giác ngộ, Gautama Buddha giảng về Tứ Diệu Đế (4 chân lý kỳ diệu về khổ). Khi nói về cuộc đời này, thế gian này, ngài nói về khổ trước tiên. Ngài không làm cho khổ trở nên bi lụy, hay nói về nó như một sự chứng minh cuộc đời này là bể khổ, mà ngài nhìn thẳng vào một sự thật rằng con người sinh ra là vì khổ đau được tạo tác bởi vô minh. Và cũng nhờ đối diện với khổ, hiểu chân lý về khổ, mà con người có thể tự do khỏi khổ đau. Như vậy, khổ đau có một ý nghĩa rất lớn, rất màu nhiệm đối với hành trình tiến hóa của con người. Đức Phật không giảng về an lạc, hay cách để con người an lạc. Vì còn muốn an lạc, tức còn muốn khổ đó thôi. Tính nhị nguyên là thế, muốn cái này thì cũng có nghĩa là "muốn" hay "phải chấp nhận" cái mặt đối lập của nó. Tứ Diệu Đế chính là đi ra khỏi cái tư duy nhị nguyên này.
Thành ra mình thấy rằng nhìn vào khổ đau mà học mà cách học thực tế nhất. Trong cái khó, ló cái khôn, cũng có một ý nghĩa lớn lao, là trong khó khăn và đau khổ, con người mới dần tự thức tỉnh, tự chiêm nghiệm, tự bước qua, và cuối cùng không còn tư duy đổ lỗi mà hoàn toàn chịu trách nhiệm cho toàn bộ cuộc sống của mình.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.