mong cầu đắc đạo là càng xa rời đạo
Tu cho nhanh đắc đạo, hay làm sao tu để nhanh qua đau khổ, nhanh giải thoát là một trong những sai lầm lớn của những người tu học.
Có một anh chàng nọ muốn tìm kiếm một chỗ hành thiền sao cho thật yên tĩnh. Anh ta đi mãi, đi mãi cuối cùng cũng thấy một nơi lý tưởng ở chốn rừng sâu với một dòng suối róc rách chảy ngang qua. Nhưng vừa ngồi được một lúc, anh ta thấy vẫn có cái gì đó mơ hồ khó chịu khởi lên từ bên trong. Anh ta bèn tìm đến một vị thầy nhờ chỉ giáo. Vị thầy này mới chỉ cho anh ta một ngôi chùa cổ cách đây khoảng một ngày đi bộ, tại đó, anh ta sẽ tìm thấy sư phụ của mình. Đến ngôi chùa, anh ta thấy một người phụ nữ đang hành thiền rất sâu, dường như có lẽ đã nhiều ngày vì cơm nước xung quanh ôi thiu hết cả. Khi người phụ nữ mở mắt ra, thấy anh ta ngồi đó, bèn nghĩ rằng có lẽ đây là người mà bậc hòa thượng kia bảo. Cả hai chia sẻ chuyện tu học, qua nhiều ngày tháng thì nảy sinh tình cảm, rồi quyết định ở với nhau, và có chung với nhau một đứa con. Suốt nhiều năm tháng sống trong hạnh phúc như thế, thì khi đứa con lên 10, thì ngôi làng có một nạn dịch càn quét, cướp đi sinh mạng đứa con ấy. Cả hai vợ chồng đều vô cùng đau khổ. Trong đau khổ ấy, họ như được thức tỉnh, thấy ra vô thường, thấy ra chân lý về khổ. Sau khi nỗi đau đã phần nào nguôi ngoai, người chồng và người vợ quyết định mỗi người quay về sự tu tập và cuối cùng thì đắc đạo.
Cũng qua trải nghiệm này, họ mới nhận ra, cách đây hơn 10 năm, chính vị thầy là người bảo cả hai hãy đến ngôi chùa cổ kia để cả hai gặp gỡ từ đó học ra bài học giác ngộ. Trước đây, người chồng vì quá lo chuyện tu tập, quá lo về chuyện giải thoát giác ngộ, nhưng bên trong lại có quá nhiều ham muốn và thiếu đi tình yêu thương, thế nên trong lòng vẫn chẳng yên. Còn người vợ thì lại ích kỷ, chỉ muốn ở trong trạng thái thiền an lạc mà không lo nghĩ cho ai. Vì thế, việc tu hành của cả hai vẫn chỉ đến một mức nào đó, vẫn bị mắc kẹt trong chính lòng tham của chính họ. Vị thầy kia đã nhìn thấy điểm yếu này của cả hai, chỉ cho họ gặp nhau, cùng trải nghiệm, có một đứa con để học cách chăm sóc, yêu thương vô điều kiện. Và cũng chính khi đứa con mất đi, họ trải nghiệm nỗi đau để nhận ra những chân lý trong đời sống.
Như vậy, chân lý chỉ được nhận ra thông qua trải nghiệm một cách trong sáng và đối diện, chứ không phải là sự tìm kiếm hay mong cầu của bản ngã. Trước đây, khi mới bắt đầu học Phật, tôi cũng muốn tu sao cho nhanh đắc đạo, tu sao cho ngày càng trở nên an lạc, nhưng rồi nhận ra rằng đó là lòng ham muốn của bản ngã. Và khát vọng giác ngộ hay đắc đạo hóa ra cũng trở thành một loại ảo tưởng của cái tôi. Nó sẽ đàn áp và che mờ chân tâm một cách vi tế, nếu không nhận ra, thì ta sẽ càng lúc càng mắc kẹt trong đó, cái bản ngã lại càng to lớn lên thêm.
Thế nên, vẫn quay trở lại bài học rất đắt giá là tùy duyên thuận pháp, tức sống một cách đối diện với các nhân duyên đến với mình bằng thái độ đúng đắn.
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta buông gia đình, nhưng hóa ra lại là trốn tránh trách nhiệm gia đình. Tôi có một người bạn, vừa lấy vợ về thì áp lực nội ngoại nặng nề, công việc làm ăn cũng đổ vỡ, vì thế, anh ta chọn cách thiền định làm sao để cho tâm an lạc. Nhưng càng thiền, anh ta lại càng không yên. Đó là một cách trốn tránh sự đời, chỉ khi anh ta đối diện với các vấn đề, suy tư về cách giải quyết, xắn ống áo lên hành động, thì khi đó anh ta mới có thể học ra bài học, mới có thể can đảm và vững chãi trưởng thành.
Tất cả nhân duyên đến là để ta đối diện mà học ra bài học về vô ngã vị tha. Mà vô ngã vị tha chính nằm ở chỗ biết mình trong sự tương giao với những con người xung quanh, chứ không phải là cắt bỏ mọi sự liên hệ để rồi tu cho thật dễ dàng và dễ đắc đạo. Không có sự tu tập nào là dễ dàng, và không có sự đắc đạo nào mà không tuân theo nguyên lý tùy duyên thuận pháp.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.