làm sao buông?
Có hai điều quan trọng cần nhớ về buông. Thứ nhất, càng cố gắng nỗ lực, càng không thể buông. Thứ hai, buông ở đây không phải là buông trạng thái, không phải buông làm một điều gì đó, không phải buông xuôi tự phó mặc cho số phận, mà buông nằm ở thái độ, tức không dính mắc và bám chấp vào bất cứ một điều gì.
Chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm: trạng thái và thái độ. Buồn, vui, hạnh phúc, đau khổ, ghen tuông, giận hờn, ghen tỵ, tự ti, tự tin... đơn giản là trạng thái. Và trạng thái thì bao giờ cũng vô thường, tuân theo chu kỳ sinh đến diệt. Thái độ là cách ta nhìn nhận (quan sát và nhận thức) các trạng thái đó. Nếu thái độ của chúng ta là tạo tác hay phản ứng đúng sai lại với các trạng thái, thì đó là đang dùng cái bản ngã ra đối phó. Và như vậy, các trạng thái sẽ giống như dòng nước gợn lăn tăn giờ nhờ có sự xúc tác mà trở nên dữ dội. Như vậy, thái độ đưa bản ngã ra xử lý vấn đề bao giờ cũng chỉ khiến vấn đề tồi tệ hơn. Ngược lại, nếu thái độ với các trạng thái đơn giản là chấp nhận, quan sát một cách trong sáng và trọn vẹn, không dùng bản ngã ra đối phó, thì các trạng thái này sẽ tự sinh ra rồi diệt đi theo như cách nó vốn là.
Sau một thời gian khởi nghiệp, một người bạn thân của tôi rơi vào cảnh nợ nần và phá sản. Bạn vô cùng đau khổ. Vì là một người hiếu thắng và tham vọng trong cuộc sống, nên đứng trước tình huống đó, bạn càng trở nên ghét bỏ sự đau khổ ấy. Bạn nghĩ rằng đau khổ vậy là yếu đuối và không đáng mặt đàn ông. Nhưng với thái độ ấy, càng ngày, bạn càng rơi vào tình trạng trầm cảm, và kết quả là bị lún sâu vào tự trách móc chính mình. Một ngày bạn tìm đến tôi, và hỏi: "Tớ không nghĩ mình sẽ ra nông nỗi này!" Tôi đáp: "Từ trước đến nay, cậu luôn ở trên đỉnh cao thành công. Từ học tập đến công việc. Nhưng vốn dĩ, bên trong ai có ý định theo đuổi thành công thì họ phải chấp nhận mặt kia là sự thất bại. Thất bại và thành công là hai mặt đồng xu, và khi cậu chọn thành công, cậu chọn luôn mặt kia là thất bại. Tại sao lại phải có thái độ tự ti trước thất bại, khi nó là một phần của cuộc sống. Nhưng nếu cậu chỉ đơn thuần xem khởi nghiệp là một trải nghiệm, thì thất bại hay thành công vốn chỉ là quan niệm của bản ngã, nó không quan trọng. Cái quan trọng là cậu học được gì trong trải nghiệm này mà thôi!" Nghe tôi nói đến đó, anh bạn nguôi ngoai. Anh dần chấp nhận đau khổ bên trong mình, không còn chống đối nó nữa.
Chúng ta khó buông vì chúng ta khó chấp nhận hoàn cảnh và trạng thái của bản thân trong hoàn cảnh ấy. Chúng ta khó buông vì chúng ta mải chạy theo một phía của cuộc sống: thành công, hạnh phúc, sung sướng,... mà quên mất rằng, khi ta chạy đuổi một phía thì phía còn lại vẫn chạy theo ta, và vẫn luôn rình rập ta. Như thế, nếu ta không chạy đuổi thành công, danh vọng, sự an nhàn, đủ đầy,... trong cuộc đời thì ta lại có tất cả. Thì ta lại chẳng sợ bất cứ phiền não hay đảu khổ nào. Và ta cũng chuẩn bị tâm lý vững vàng cho tất cả những thử thách và khó khăn ấy. Và chính điều này sẽ giúp ta hình thành một thái độ đúng đắn trước vấn đề, giúp ta thản nhiên buông bỏ, thản nhiên đối diện.
Còn với những người có ý sở hữu vật chất hay những thứ khác một cách cực đoan thì sao? Tôi nghĩ rằng những người này nên niệm sự chết càng nhiều càng tốt, tức mỗi lần nằm xuống nghỉ ngơi hay đi ngủ, hãy nghĩ rằng mình đang chết đi, thì bạn sẽ không bao giờ sợ chết nữa, và bạn cũng sẽ giảm thiểu thói quen sở hữu, vì tin rằng khi chết đi, mình sẽ không thể mang theo bất cứ điều gì. Tôi nhớ trong một bài giảng, thiền sư Ajahn Chah nói rằng thật hài hước khi người ta buồn khóc khi một người mất đi và vui vẻ trước sự sinh ra của ai đó. Thiền sư không có ý xúc phạm đến ai, mà chỉ thẳng vào sự thật rằng chết là sống mà sống là chết. Còn về bản chất, thì chúng ta vẫn không sinh không diệt. Thế nên, tự ta sẽ tự gánh lấy tổn thương nếu không buông được hình hài này, hay bám chấp một cách thái quá vào hình hài hiện có.
Nhưng nếu bạn vẫn vẫn cảm thấy buông không nổi một điều gì đó, thì cũng chẳng sao. Cứ trải nghiệm điều đó một cách thật trọn vẹn, sợ thì cứ sợ, đau thì cứ đau, rồi cuối cùng, khi đạt đến một ngưỡng nào đó, biết đâu bạn lại tự phản tỉnh chính mình, biết đâu lại thức tỉnh khi không còn chịu đựng được thêm nữa. Lúc này, bạn cũng sẽ học ra bài học về nỗi sợ và nỗi đau ấy.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.