mất động lực sống vì mải đắm chìm
Nhiều người đặt nặng việc chánh niệm - tỉnh giác trong cuộc sống, đến nỗi đánh mất chính mình trong lý tưởng này. Có nghĩa rằng họ quá chú trọng chuyện quan sát thân và tâm mà quên mất rằng mình có một cuộc sống để trải nghiệm và để học ra bài học từ trải nghiệm đó. Những người này thường có xu hướng bị động, chậm chạp, và thiếu động lực sống. Như vậy, họ đã hiểu sai về chánh niệm - tỉnh giác, và biến chánh niệm - tỉnh giác như một công cụ, một phương pháp phục vụ cho cách hiểu chủ quan của họ.
Sống chánh niệm - tỉnh giác có nghĩa là biết mình, thấy mình trong toàn bộ nhận thức và hành vi. Đau khổ biết đau khổ, vui biết vui, buồn biết buồn, nói gì biết đang nói gì,... Thấy biết như vậy để ta có mặt trọn vẹn và trong sáng với thực tại, và không đánh mất mình trong thực tại ấy. Nhưng nếu ta chú tâm hay đặt nặng nó, thì ta có nguy cơ thiếu đi động lực sống, tinh thần trở nên biếng nhác. Như vậy, vấn đề vẫn đang nằm ở thái độ sống chưa thực sự sáng suốt của bạn.
Nếu có chánh niệm - tỉnh giác đúng đắn, ta sẽ thấy cuộc sống này luôn luôn mới mẻ và thú vị vì lúc ấy ta có mặt trọn vẹn với toàn bộ hiện hữu. Ta thấy biết trong sáng với các hiện hữu vốn về bản chất vô thường này. Nhưng nếu bạn rơi vào cảm giác thiếu động lực sống, điều đó có nghĩa rằng bạn đang bị đắm chìm vào điều gì đó chứ không phải là chánh niệm - tỉnh giác đúng nghĩa nữa. Vì mải đắm chìm nên bạn cảm thấy sự sống này như bị rút cạn. Hoặc bạn làm mọi việc theo thói quen vô thức, rồi nghĩ rằng mình có quan sát, nhưng thực tế, bạn vẫn bị cái thói quen ấy kiểm soát.
Gần đây, tôi có biết đến một bà mẹ đơn thân chăm con. Chị cũng học Phật và trải qua một đời sống khá lặng lẽ. Nhưng chị bảo rằng dù có con là niềm an ủi nhưng đôi khi chị vẫn bị rơi vào tình trạng thiếu động lực, thấy sự sống khá tẻ nhạt. Tôi nói rằng có thể chị ấy bị chi phối bởi thói quen: thói quen chăm con, thói quen sống lặng lẽ, thói quen một mình,... và chị ấy bị đắm chìm trong những thói quen này. Nếu luôn thấy mình trong mỗi việc mình làm, thì chị ấy sẽ không còn cảm thấy nhàm chán nữa. Chị ấy sẽ thấy mọi khoảnh khắc đều mới mẻ, đều có sự thú vị và tươi tắn riêng. Nghe tôi nói đến đó, chị bỗng sực tỉnh. Vì bấy lâu nay, đúng là chị cứ theo một thói quen mà lặng lẽ làm cái này qua cái kia, rồi thấy mình lặp lại như một chiếc máy.
Tôi không nghĩ rằng ta cứ phải bắt ép mình ngồi một chỗ, lặng lẽ sống theo một cách, để rồi nương vào đó như một quan niệm tu học. Hồi xưa, tôi có một người bạn, bạn nói rằng chỉ cần ngồi một chỗ mà nhìn thấy cả thế giới. Nhưng đó là một câu nói có thể dẫn đến nhiều hiểu nhầm. Đúng là chân lý vốn có mặt ở ngay chỗ ta ngồi, và không cần đi đâu xa để tìm kiếm nó. Nhưng không có nghĩa rằng là ta cứ ngồi một chỗ để thấy chân lý. Chân lý được thấy ra trong những sự xúc chạm, trải nghiệm ở bất cứ nơi nào mà ta có cơ hội có mặt... Và bản ngã chỉ có thể bị đánh tan hoàn toàn trong những sự xúc chạm trải nghiệm này. Việc ngồi một chỗ để thấy chân lý lại dễ khiến ta trở nên bị động và ì ạch, khiến ta dễ đắm chìm trong thực tại, và không thấy rõ tham, sân, si bên trong mình một cách rõ ràng. Thực tế, sự xúc chạm tương tác giữa người này người kia mới giúp ta thấy rõ mình, và cũng thông qua sự va chạm đó, ta mới dần tự thức tỉnh về chân lý vô ngã, vô thường.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.