muốn gì làm nấy để học ra bài học

7:29:00 PM
Nếu bạn thực sự mong muốn kinh doanh cafe, hãy kinh doanh cafe. Nếu bạn muốn đi du lịch một mình, hãy đi du lịch một mình. Nếu bạn muốn xây dựng một nhà hàng, hãy xây dựng một nhà hàng. Chính cái muốn rồi đi đến thực hiện mới giúp chúng ta học ra bài học giác ngộ. 

Nhiều người học Phật thường nghĩ phải tiết giảm mong muốn lại vì như vậy là tham lam. Thế rồi, cứ mỗi lần có mong muốn làm điều gì đó, họ lại gạt bỏ đi. Nhưng chính cái gạt bỏ đi ấy lại khiến họ trở nên thụ động trong cuộc sống. Sự thụ động tạo ra sự nhàm chán. Và hơn thế nữa, việc gạt bỏ mong muốn đôi khi lại xuất phát từ nỗi sợ hãi vô thức. 

Có câu chuyện về một vị hòa thượng nọ, khi ngồi trên xe, nhìn thấy hai bên dường nhiều hạt từ loài cây đẹp và lạ rụng xuống khắp nơi, bèn bảo đệ tử dừng lại để nhặt vài hạt về gieo trồng ở chùa cho có bóng mát. Một đệ tử thấy vậy bèn bảo: "Thầy tham quá!" Vị hòa thượng mỉm cười: "Thực ra nói tham cũng đúng, nhưng cái tham này không phải là tham lam của bản ngã, muốn được cho mình, mà xuất phát từ mong muốn tốt cho tất cả mọi người khi được hưởng môi trường trong lành, xanh mát từ những hạt mà chúng ta gieo trồng." 

Trong thực tế, chúng ta học được nhiều điều tuyệt vời từ những mong muốn của mình. Vì mong muốn yêu đương, chúng ta học bài học từ yêu đương. Vì mong muốn làm giàu, chúng ta học bài học từ việc làm giàu. Ai ai cũng có những bài học cho riêng mình, mà mong muốn thường là một động lực mạnh thúc đẩy chúng ta làm gì đó. Quan trọng ở đây, là khi nhìn vào mong muốn ấy, ta biết mong muốn đó cùng quá trình thực hiện nó sẽ không gây hại cho bất cứ ai, kể cả chính mình. Nhưng nếu bạn có lỡ thực hiện một mong muốn tạo nghiệp bất thiện, thì đó cũng là một bài học giác ngộ lớn lao cho bạn. Nhưng bạn chỉ giác ngộ được khi bạn biết quán xét chính mình và nhận ra lỗi lầm từ quá trình trải nghiệm mà thôi. 

Tôi tin rằng những mong muốn và mơ ước tốt đẹp trong cuộc đời này thực sự quan trọng. Nó thúc đẩy chúng ta trải nghiệm để học bài học. Nó thúc đẩy con người hãy biết sống vì người khác chứ không chỉ cho bản thân mình. Nó khiến cuộc sống của một con người luôn trở nên mới mẻ thi vị thay vì thụ động và nhàm chán. 

Khi Đức Phật giác ngộ, không phải là mong muốn bên trong ngài cũng bị đoạn diệt theo. Mà lúc ấy, mong muốn bên trong ngài mới thực sự to lớn và vĩ đại. Ngài dành 45 năm đi hoằng pháp, và khuyến khích những đệ tử đắc quả A-la-hán hãy đi mỗi người mỗi hướng để giảng giải chân lý rộng rãi. Thế nên mới nói, với người giác ngộ, càng mong muốn, thì chúng sanh càng được lợi lạc là như thế. 

Nói điều đó không có nghĩa mong muốn của kẻ phàm phu là xấu xa. Chúng ta không đi đến tiết chế mong muốn, mà là tiết chế ham muốn. Ham muốn tức là sự tham lam mang tính bản năng. Và nếu nói tiết chế mong muốn thì là tiết chế những mong muốn ích kỷ, chỉ vì lợi ích cá nhân - tổ chức nhưng lại gây hại cho người khác - xã hội. Hiện nay, chúng ta thấy rõ những tham vọng của con người đã cướp đi biết bao khu rừng, gây ra hiệu ứng nhà kính, lũ lụt, hạn hán,... 

Nhưng nếu ta có mong muốn tốt đẹp cho sự phát triển nhận thức của bản thân và cho người khác, cứ vận dụng trí khôn và lương tâm của mình để thực hiện nó. Chẳng hạn, nếu bạn có mong muốn đi du lịch một mình, đó là một mong muốn tốt đẹp để phát triển nhận thức. Nhưng nếu bạn sợ hãi không dám đi, thì bạn lại chẳng thực sự học được bài học nào từ điều này cả.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.