mở trái tim nhìn cuộc sống đa chiều
Người ta nói trong phúc có họa, trong họa có phúc. Khi hạnh phúc chớ nên lún sâu đắc thắng. Khi đau khổ chớ lo lắng hay bi quan. Cuộc đời không bao giờ để ai phải chịu thiệt thòi bao giờ. Quan trọng là tâm ta có đủ trong sáng để nhận ra một sự thật rằng càng mất nghĩa là càng có.
Một học trò đến thỉnh giáo vị hòa thượng, khóc lóc chia sẻ bao nhiêu cay đắng uất ức phải chịu đựng bấy lâu nay: "Thưa thầy, con ở với sư huynh đến nay đã hai năm. Nhưng hai năm qua là một quãng thời gian hết sức khó khăn với con. Sư huynh lên mặt bắt nạt con hoài, thậm chí còn có ý hãm hại con nữa." Vị sư phụ điềm nhiên bảo người học trò này trở về, rồi ông sẽ có cách giải quyết ổn thỏa. Ông nhớ lại cách đây vài hôm, ngồi trò chuyện với vị sư huynh kia, ông cũng nghe anh chàng này chỉ trích về cách ăn ở của sư đệ. Vậy là, vào một hôm đẹp trời, ông bảo cả hai đến, nói rằng nếu ai viết điều tốt về người kia nhiều hơn thì ông sẽ trao truyền bí kíp tu học mà ông đã đúc rút suốt hơn 50 năm qua. Sư đệ và sư huynh ra sức viết, chẳng mấy chốc mà kín cả hai mặt tờ giấy A4. Vị hòa thượng này cười lớn: "Sao mấy hôm trước, cả hai nói xấu về nhau hết nước hết cái mà bây giờ lại kể không hết điều tốt về nhau thế này!" Đến đó, cả hai người học trò liền tỉnh ngộ.
Phải chăng cuộc sống của chúng ta khó khăn vì ta cứ mải chăm chú nhìn từ một phía. Trong một xã hội nhiễu nhương, ta mải nhìn cái nhiễu nhương ấy mà tâm sinh sân hận. Nhưng tâm sân hận thì chẳng phải đã hòa mình vào cái gọi là nhiễu nhương rồi hay sao? Trong một sự kiện gây phiền não, ta cứ mải nghĩ xấu, nghĩ tiêu cực về một người, một nhóm, thành ra, chính cách nhìn một chiều này luôn làm ta bi quan. Chưa kể, khi ta thành công mà cứ lún sâu vào trạng thái đắc thắng thì dễ khiến ta trở nên ngã mạn. Trong sự ngã mạn, người ta cũng dễ dàng đánh mất chính mình, đặc biệt khi họ rơi vào sự thất bại. Vậy nên, sống là nhìn ra hai mặt của vấn đề: thành - bại, khổ đau - hạnh phúc, bình an - bất an,... mà tâm vẫn sáng suốt và định tĩnh. Có không khoe khoang, mất không bi quan. Trong họa hẳn có phúc; trong phúc, họa đang rình rập. Đạo lý cuộc đời là như vậy. Nếu thấu rõ điều này, ta chẳng lúc nào thấy mình bị thiệt thòi thật sự.
Trong đạo Phật có câu tùy duyên thuận pháp, nghĩa rằng mọi nhân duyên trong cuộc đời này ta không hoàn toàn có thể kiểm soát. Nhưng điều mà ta có thể đó chính là điều chỉnh thái độ sống thông qua hành vi của mình. Nhiều khi chúng ta nghĩ chúng ta có thể chọn lựa điều gì đó trong cuộc đời, nhưng lựa chọn ấy lại là sự vận hành của duyên nghiệp. Sự vận động của nhân duyên theo chu trình từ sinh đến diệt không phải để cho ta biết à thì ra mọi thứ vô thường. Mà trong vô thường đó, bản tâm vẫn vững vàng. Bản tâm vững vàng thì thấy thường hay vô thường đều không bị ảnh hưởng, đều không bị luyến lưu hay dính mắc. Khi rơi vào tình huống đau khổ thì ta mong cho mọi thứ thật vô thường, trôi qua thật nhanh, nhưng trong hạnh phúc, thì lại muốn nó thật bền lâu. Nhưng sự vận hành của pháp thì luôn luôn tuân theo một chu trình sinh diệt rõ ràng, nếu bản ngã có tạo tác thì tạo tác ấy ắt sẽ mang đến phiền não. Vậy nên, thái độ của ta trước những nhân duyên cuộc đời trước tiên vẫn là chấp nhận. Chấp nhận thì sẽ không có dính mắc than phiền. Khi không dính mắc than phiền, hẳn ta sẽ có chánh niệm - tỉnh giác. Như vậy gọi là tùy duyên thuận pháp.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.