sống thuận chân lý chứ không đọc chân lý mà sống
Sau khi Đức Phật nhập diệt đến nay đã 2.500 năm, giáo lý nhà Phật đi khắp năm châu. Đạo Phật được chia thành nhiều tông phái khác nhau, từ Phật giáo nguyên thủy ở thời Đức Phật Cồ Đàm tại thế đến Mật tông, Thiền tông, Tịnh độ tông về sau. Mỗi phái đều có kho tàng kinh khác nhau. Và sự thật là kho tàng kinh Phật như núi như rừng. Chưa kể, các cuốn sách Phật pháp được viết ra bởi các trải nghiệm của chúng sinh. Thế nhưng, giác ngộ ra sự thật thì hoàn toàn không nhất thiết phải đọc (hết) kho tàng kinh. Đó chắc chắn không phải yếu tố bắt buộc. Có những người không hề theo Phật giáo vẫn giác ngộ. Có người theo Thiên Chúa giáo vẫn ngộ được. Vậy thì, sống thuận chân lý mới giúp ta giác ngộ chứ không phải đọc chân lý mà sống.
Đọc chân lý mà sống cũng giống như một người đọc hết một cuốn sách dạy nấu ăn, thông thuộc tất cả nhưng lại không nấu ăn được. Vậy thì người đó chỉ có kiến thức chứ không có tri kiến (thấy biết/trí tuệ). Kiến thức này lúc này chỉ là ảo chứ không có thật. Nó chỉ đơn thuần là một kho chứa thông tin trong tâm trí chứ không phải là cái tuệ phát sinh. Ngược lại, có người không đọc sách nấu ăn, mà chỉ đơn giản thực hành nấu ăn dựa trên sự chỉ dẫn của mẹ và phát triển khả năng theo sự sáng tạo nhạy bén của mình, vậy thì đây mới chính xác là tri kiến. Nó có thật.
Cũng vậy, chân lý được giảng giải trong sách hay được nói ra không phải để nghe và nạp vào bộ nhớ mà để sống với chân lý đó. Chân lý trong vũ trụ thực sự đơn giản chứ không có gì là diệu vợi và thâm sâu. Thâm sâu hay diệu vợi cũng chỉ là từ ngữ do bản ngã đặt ra. Và đôi khi, có lẽ, vì nghĩ nó thâm sâu diệu vợi nên ta mới cố gắng để đạt được, cố gắng để trở thành. Nhưng tạo tác trở thành nào cũng đều khổ cả. Chẳng chân lý nào nói ta đạt được điều gì đó, mà đơn giản để ta thấy ra sự thật rồi trở về chân tâm. Chân lý là giúp ta quay về thấy mình, chứ không phải hướng ra để đạt cái gì đó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau khi giác ngộ bèn dạy cho đệ tử về Tứ diệu đế (chân lý về khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về khả năng chấm dứt khổ đau và chân lý về con đường diệt khổ). Tứ Diệu Đế rõ ràng nhấn mạnh việc quay về bên trong mình để biết mình chứ không phải là hướng ra bên ngoài để đạt điều gì đó.
Vốn dĩ chân lý chẳng có gì thâm sâu hay diệu vợi, mỗi người đều chỉ cần sống đúng tốt, không thực hiện hành vi ác mà hướng đến thực hiện hành vi thiện lành (tin sâu và ứng dụng luật nhân quả) thì tất cả đều nhận ra cái bản chất vô ngã vị tha bên trong mình là đã hoàn toàn sẵn có chứ không cần phải đi tìm kiếm, không cần phải tu để đạt được, mà chỉ đơn thuần là tu sửa để trở về cái đã thực có.
Thế nhưng, nếu ta đọc chân lý mà sống thì ta hoàn toàn có nguy cơ bị dính mắc vào chân lý để phán xét đúng sai. Từ một người có một kho tàng tri thức chân lý trong đầu nhưng khi thực hành sống hàng ngày lại hoàn toàn sai lệch. Vậy thì kho tàng chân lý trong đầu ấy chẳng hề là một điều gì đó tốt đẹp. Khi xưa Đức Phật giác ngộ, và giảng giải chân lý, thực ra phần nhiều giáo pháp Ngài giảng hiệu quả không phải vì nó là chân lý mà chính nằm ở cách sống thuận chân lý của Ngài, chính Thân giáo của Ngài đã chuyển hóa và khai thị được cho người khác. Thế nên mới có câu, người đi giảng ở thái độ sống nào thì lời giảng sẽ có sức mạnh của thái độ sống ấy. Một người còn tham, sân, si thì sức mạnh giáo huấn sẽ không thể chạm sâu vào tâm thức người nghe. Vậy nên, không gì bằng việc sống đúng với chân lý mà cảm hóa người. Và đôi khi, ta không cần cảm hóa người nào, ta chỉ cần sống đúng tốt thì năng lượng tốt đẹp sẽ tự động lan tỏa.
Vậy nhưng, nói điều đó không có nghĩa là không nên đọc kho tàng kinh Phật, mà hàm ý nhấn mạnh rằng mỗi người đều có duyên tu học khác nhau, cần tôn trọng cách thức tiếp cận của họ, và cũng đừng vì nghĩ mình đang có cách tiếp cận tốt mà quay ra áp đặt khuyên bảo người nọ người kia phải theo ý mình, như vậy là đang bị dính mắc vào tri thức để phán xét. Và nếu có gặp ai đó khuyên bảo ta, nếu thái độ của ta cũng quay ra phán xét lại, thì đó vẫn đang dính vào tâm sân. Ai khuyên bảo, ta cứ sẵn sàng lắng nghe, còn lựa chọn hay không vẫn là quyền của ta. Đạo Phật cốt yếu vẫn là để mọi người tự trải nghiệm để thấy ra sự thật. Nền tảng lời Phật dạy vẫn nằm ở Tứ Diệu Đế - Bát chánh đạo - Thập nhị nhân duyên. Ta cứ nương theo đó mà đọc, nếu chưa hiểu, thì cứ trải nghiệm, rồi dần dần, ta sẽ thấy ra. Vì căn cơ trình độ của mỗi người là mỗi khác. Và duyên nghiệp cũng hoàn toàn chẳng giống nhau. Còn nếu gặp được một vị thiền sư chỉ cho ta thấy ra thì điều này là quá tốt.
Như trong quá trình tu học cá nhân, tôi chưa có nhân duyên tiếp cận kho tàng kinh điển Phật giáo nhiều nhưng lại được Hòa thượng Viên Minh khai thị qua những bài giảng. Đó là một duyên lành lớn, để bản thân có thể ứng dụng lời dạy ấy trực tiếp vào đời sống của mình. Sống với chân lý mới giúp ta thấy ra nhiều điều quý giá.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.