biết mình trong mọi hoàn cảnh

10:04:00 AM
Có người hỏi tôi rằng thật khó để yêu thương một ai đó mà không bị dính mắc vào sự sở hữu, nếu không nhiều thì vẫn ít. Tôi trả lời rằng: "Thực ra, việc chánh niệm - tỉnh giác không phải để nói ta không yêu một ai, hay đừng cố gắng để sở hữu một cá nhân hay sự vật nào. Mà để bảo ta hãy biết mình trong mọi hoàn cảnh sống. Nếu yêu thì cứ yêu, và khi sở hữu thì biết mình sở hữu để từ đó điều chỉnh hành vi và nhận thức của bản thân. Bởi yêu thương ai đó như cha mẹ, bạn bè, một cá nhân,... bên ngoài là để ta học thật sâu sắc bài học yêu và cho vô điều kiện. Nó đòi hỏi một quá trình ta trải nghiệm để rồi nhận ra sự thật này, chứ không phải đùng một cái, ta có thể yêu thương vô điều kiện ngay."

Nhiều người khi học chánh niệm - tỉnh giác thường có suy nghĩ bây giờ cứ phải chánh niệm - tỉnh giác là hàng đầu. Họ đặt nặng vào điều này mà quên mất rằng trải nghiệm để thấy mình trong trải nghiệm ấy mới giúp họ tốt nghiệp bài học một cách sâu sắc. Sống thiền không có nghĩa là cứ phải ngồi xuống thiền, đóng cửa tu tập, hay đến một nơi nào cho thật yên tĩnh để sớm đắc đạo, vì càng lựa chọn theo ý của mình, càng rời xa đạo. Sống đúng là sống tùy duyên thuận pháp. Tùy duyên tức biết đối diện trước các nhân duyên đến với mình, và thuận pháp tức có chánh niệm - tỉnh giác trong toàn bộ nhân duyên. Khi đó, ta sẽ không bị đắm chìm trong quá khứ - thực tại và tương lai. Sống thiền khiến ta biết trân trọng giá trị lao động chứ không phải làm biếng. Sống thiền giúp chúng ta không bị vận hành như cái máy trong những thói quen vô thức. Sống thiền giúp chúng ta nhận ra các vấn đề trên thân và tâm để rồi điều chỉnh sao cho phù hợp. Chẳng hạn, sống thiền giúp ta nhận ra cột sống của ta bị đau. Ta biết cột sống bị đau vì nguyên do nào, do ngồi không đúng tư thế hay bị ăn uống không hợp lý. Từ đó tập một pháp yoga giúp điều chỉnh lại cột sống này. Như vậy, nhờ việc trải nghiệm nỗi đau cột sống, ta nhận ra nguyên nhân vấn đề, rồi tìm cách giải quyết phù hợp. Đó là thấy mình trong mọi hoàn cảnh.

Cũng vậy, nhờ thấy mình trong mọi hoàn cảnh mà ta không trốn tránh bất cứ điều gì. Có câu chuyện về một người thầy đang giảng đạo thì một vị đệ tử đứng lên cãi lại thầy. Toàn bộ đệ tử trong phòng vô cùng ngạc nhiên trước hành vi của anh ta. Nhưng người thầy vẫn lặng lẽ và điềm nhiên nghe toàn bộ những lời anh ta nói trong khi vẫn quan sát thân, tâm mình. Như vậy, điều quan trọng trước tiên vẫn là có chánh niệm - tỉnh giác trước lời nói của đệ tử lẫn thân, tâm. Khi anh ta kết thúc sự tranh cãi của mình, người thầy mỉm cười và tiếp tục quay lại bài giảng, và làm rõ điều anh ta cãi với một cái tâm rỗng lặng. Thế nhưng, trong đời sống, khi ai đó nói gì khó nghe với ta, ta thường có khuynh hướng một là lảng tránh, hai là phản ứng đúng sai lại với lời nói, và rõ ràng, hành vi này thể hiện bên trong ta đang là tâm sân. Họ nói gì thì cứ phải nghe một cách trọn vẹn đã, và trong lúc ấy, quan sát thân tâm mình trong sáng, thì khi đó ta mới có cơ hội thấy mình trong trải nghiệm, ta mới học ra bai học trong trải nghiệm này. Còn nếu trốn tránh điều khó nghe, làm sao ta học được. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.