thiền để thấy ra sự thật chứ không phải tìm cầu an lạc
An lành chưa bao giờ là điều mình tìm cầu trong cuộc sống. Nói điều đó không có nghĩa là mình không trân trọng sự an lành, hay xem thường an lành. Trạng thái bình an thường xuyên diễn ra trong cuộc sống của mình, dù đau khổ thì mình vẫn có thể thấy bình an ở bên trong. Nhưng bình an hay đau khổ đơn giản là trạng thái. Trạng thái là hiện tượng, hiện tượng bao giờ cũng thay đổi, bao giờ cũng vô thường. Cái quan trọng là thái độ sống của mình đối với các trạng thái đó, thấy chúng vô thường nhưng thái độ vẫn trong sáng, vẫn vững chãi trước các biến động của trạng thái. Đó mới là điều mình thực sự thấy có giá trị, tức là thấy ra được sự thật, chứ không phải mong cầu trạng thái an, và quay ra ghét bỏ trạng thái đau khổ.
Khi đó, mình nhận ra nhiều người hiểu sai ý của Đức Phật. Niết bàn là nằm thái độ chứ không phải nằm ở trạng thái. Khi nghĩ hay liên tưởng niết bàn trong đầu, nó là một lý tưởng, nó không thật nữa. Chỉ khi sống trọn vẹn trong thực tại, thì thực tại này vốn dĩ là niết bàn. Dù ta sống trọn vẹn với phiền não, hay sự an lành, ta thấy mọi thứ như nó đang là, thì đó đã là sống trong niết bàn. Vậy nên, khi đau khổ mà quay ra ghét bỏ đau khổ hay cố gắng diệt trừ đau khổ, thì đó là đang tạo tác thêm sự đau khổ mới và đau khổ cũ vẫn chưa qua đi. Sự tạo tác này khiến (các) đau khổ cũ lẫn mới chìm sâu trong tàng thức, và đợi chờ cơ hội nảy sinh. Một độc giả nhắn tin bảo mình trong quá trình thực hành quan sát tâm, bỗng anh thấy khởi lên nỗi đau, dư âm của mối tình đầu cách đây hơn mười năm. Anh hỏi mình lý do. Mình bảo rằng, nỗi đau đó chưa được giải quyết đúng nên nó mới được thấy trở lại. Khi thấy nỗi đau đó khởi sinh, mà anh cố gắng dẹp đi thì nó không hết mà chỉ đơn giản là chìm sâu trong tiềm thức thôi. Thấy nó khởi lên, thì cứ trọn vẹn với nó. Không tạo tác thêm hay bớt, không phân tích đúng sai, thì mới thấy sự vô thường của nó. Khi sống trọn vẹn với nỗi đau, thì nỗi đau cuối cùng cũng sẽ đi qua mà thôi. Còn nếu lấy bản ngã ra để đoạn diệt đau khổ, để ghét bỏ đau khổ, thì đau khổ đó sẽ không bao giờ đi qua được.
Thiền định chưa bao giờ là pháp thiền của đạo Phật. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài được hai vị thầy dạy hai phép thiền định sắc giới và vô sắc giới. Và Đức Phật đều đạt đến đỉnh cao nhất của hai phép thiền định này. Nhưng ngài nhận ra rằng, thiền định vốn dĩ chỉ là ép cho cái tâm được an thôi nhưng không thể diệt khổ. Pháp vốn dĩ vận động, vô thường, vì thế, thiền định không tuân theo sự vận hành của pháp. Sau đó, ngài mới nhận thấy, chỉ khi mình quan sát tâm mình bằng một thái độ trong sáng thì khi đó, khổ não mới qua đi, và khổ não cũng không còn có thể điều khiển hay kiểm soát mình. Mình không bị đồng hóa vào trong khổ não. Dùng cái thái độ trong sáng mà quan sát này thì dù trạng thái có đang đau khổ hay phiền não thì ta vẫn thấy chân tâm vốn dĩ thanh tịnh trống rỗng. Đó là lý do vì sao thiền minh sát/thiền tuệ/thiền vipassana ra đời. Và trong tôn chỉ đạo Phật có giới -định - tuệ, thì định ở đây không có nghĩa là thiền định, mà sự định tĩnh của tâm, khi tâm định tĩnh thì sự quan sát trở nên sáng suốt (tuệ khởi sinh - tức thấy ra sự thật). Giới -định - tuệ ở đây không tách rời, ba mà như một.
Đức Phật từng nói: "Dù Như Lai ra đời hay không ra đời, thì pháp vẫn vậy". Tức chân lý vẫn vậy. Ngài chỉ đơn giản là một con người đã thấy hết sự thật (giác ngộ) nên mới giảng giải chân lý cho đệ tử. Khi ấy, Đức Phật hoằng pháp để cho tất cả trải nghiệm để thấy ra sự thật, chứ không phải giúp mọi người có an lạc. Tuy nhiên, lúc bây giờ, 2.500 năm sau khi Như Lai nhập diệt, thì Đạo Phật đã không còn "trong sáng" như thuở ban đầu. Con người xem đạo Phật như một tôn giáo có thể giúp họ có được an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống. Thực ra, điều này không có gì để phải phê phán hay tranh cãi, nhưng nó nói ra một điều đạo Phật đã đi khắp 5 châu nhưng cốt lõi đạo Phật thì vẫn bị hiểu nhầm một cách trầm trọng. Đức Phật từ một vị giác ngộ khai thị cho con người cách diệt khổ (diệt khổ ở đây tức là một quá trình hiểu ra chân lý về khổ, nguyên nhân đau khổ và con đường thoát khổ - nói trong Tứ Diệu Đế), thì bây giờ, đạo Phật về mặt hiện tượng đã không còn đi sâu vào nguyên lý thấy ra sự thật này. Nhiều ngôi chùa, nhiều người lãnh đạo Phật giáo đã biến Đạo Phật trở thành một tín ngưỡng, thờ Phật như Thần Thánh, hay giảng pháp như một bộ môn đạo đức đơn thuần,... Có lẽ cũng vì căn cơ chúng sinh khác nhau mà thành ra như vậy. Nhưng có lẽ, cũng vì lòng tham sân si nơi kẻ tu hành vẫn còn quá sâu dày hay chăng, để rồi biến Đạo Phật trở thành một nền công nghiệp tâm linh? Từ vị trí của một kẻ tu học, mình không nghĩ phê phán ai là cách hay nhưng hiện tượng Phật giáo hiện nay thì rõ ràng dễ thấy. Nhưng không vì thế, mà mình rời xa tôn chỉ Phật dạy, nhưng thấy đó mà tập trung đi vào cốt lõi chính yếu của Phật giáo nguyên thủy để thấy ra sự thật.
Mình không nghĩ rằng thiền là một điều gì đó xa xôi hay một lựa chọn chỉ cho kẻ mong cầu hạnh phúc an lạc. Bởi thiền mà để có an lạc thì thực ra cái an đó không những không bền vững mà còn là một loại đau khổ khác. Nhiều người hôm nay tìm đến thiền đôi khi chỉ để trốn tránh sự đời. Đó là một cách sống thiếu can đảm, thiếu đối diện, và khó có thể học ra bài học. Thiền đơn giản là thấy ra sự thật, sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, rồi đi đến cách quan sát khổ như một cách diệt khổ. Thiền là để thấy ra chân lý vô ngã vô thường của mọi sự vật, hiện tượng. Thái độ là trọng yếu trong thiền. Trong cuộc sống, mình thấy có người không nói gì về thiền, nhưng họ thực sự sống thiền. Tức sống với một thái độ trong sáng, không tìm cầu, không tham, sân, si. Đó là điều có lẽ một kẻ tu học như mình hãy còn cần nhiều thời gian mà trải nghiệm để thấy ra sự thật. Chỉ có sự xúc chạm trải nghiệm mới giúp con người đánh tan bản ngã, mới giúp con người thấy ra sự thật trong những khổ đau và tạo tác mà họ đã gây ra. Tôn chỉ của Phật dạy không bao giờ là tìm về một chốn an lành để rồi tu tập. Mà nếu có thì cũng là tùy duyên, chứ không phải là điều bắt buộc. Ngày nay, tu ở chùa chưa hẳn đã tốt bằng hòa vào cuộc đời mà tu, thậm chí hòa vào cuộc đời mà tu còn giúp ta thấy ra nhiều hơn, còn giúp ta trở về lòng trắc ẩn, vô ngã vị tha tốt hơn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.