tỉnh thức

7:20:00 PM
Tỉnh thức không có gì cao siêu. Tỉnh thức đơn giản là một thái độ sống đúng đắn. Thái độ sống đúng đắn tức biết soi sáng lại chính mình, nhận biết mọi thứ như nó đang là, mà không có tạo tác logic đúng sai của bản ngã. Buồn biết buồn, vui biết vui, giận biết giận, đang làm gì, biết làm điều đó, đó là tỉnh thức. Khi không còn sống trong vô thức, khi không còn cái bản ngã lăng xăng tạo tác, biết chánh niệm - tỉnh giác trong mọi phút giây thì đó chính là sống tỉnh thức. 

Khi xưa Đức Phật cũng đơn giản bảo rằng ngài là một người tỉnh thức, tức sống trọn vẹn trong thực tại trong từng sát-na. Khi ngài có cơn đau bụng, ngài trọn vẹn với cơn đau bụng đó của mình. Như vậy, tỉnh thức không có nghĩa là một trạng thái an lạc hay một trạng thái gì cao siêu. Vì nếu bạn hiểu tỉnh thức là trạng thái thì hoàn toàn sai. Bởi trạng thái là hiện tượng. Hiện tượng thì bao giờ cũng thay đổi. Tỉnh thức chính là thái độ sống đúng bát chánh đạo. 

Với những người đang tu học, họ sẽ có lúc sống tỉnh thức, có lúc không. Tức sự tỉnh thức của họ vẫn chưa diễn ra thật liên tục. Nhưng điều đó không có gì phải ái ngại hay băn khoăn. Mỗi người đều có sẵn tánh biết bên trong mình. Khi sống không tỉnh thức, tánh biết cũng biết rõ là không tỉnh thức. Như vậy, khoảnh khắc mà bạn biết mình lỡ nhịp với thực tại, thì khoảnh khắc ấy cũng là đã tỉnh thức rồi. Quan trọng là, đừng tạo ra một cố gắng nào của bản ngã lên đời sống tỉnh thức của mình, thì khi đó, cái tâm trong sáng sẽ làm việc được tốt đẹp. 

Có một người mẹ thấy con mình rất nghịch ngợm và lỳ lợm, nói mãi mà đứa con vẫn không chịu nghe lời. Bà đâm ra buồn tủi và đau đớn. Một vị hiền triết đi ngang thấy tình cảnh vậy bèn nói: "Đứa con ấy không phải là con của bà. Dù bà sinh ra nó, thì nó vẫn là nó, chứ không phải của bà. Đừng đối xử với nó như của mình, để rồi cũng vì thái độ coi nó là của mình mà đau khổ!" Bà mẹ nghe thấy bỗng tỉnh ngộ. Quả nhiên, bấy lâu nay, vì cứ ôm suy nghĩ đứa con là của mình, mà bà đâm ra đau xót sợ hãi rồi ra lệnh đứa con làm cái nọ cái kia đủ kiểu. Khoảnh khắc bà nhận ra như thế, cũng là khoảnh khắc tỉnh thức. Tỉnh thức tức là chịu soi sáng lại chính mình rồi nhận ra sự thật. Như vậy, người tỉnh thức cũng có nghĩa là người sống thuận theo những chân lý hay sự thật tối hậu, không để bị dính mắc hay chấp giữ vào bất cứ điều gì. 

Sống tỉnh thức không có nghĩa là cố gắng để tỉnh thức hay để tiến bộ hơn trên con đường đi đến tỉnh thức. Tỉnh thức vốn là cái đã có sẵn, bây giờ, điều bạn cần là hãy trở về trọn vẹn, soi sáng lại chính mình để thấy ra sự thật mà thôi.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.