yêu là chấp nhận người đó như họ là

12:31:00 PM
Trong hành trình trải nghiệm, con người thường hy vọng sẽ tìm thấy cho bản thân một người yêu, một tri kỷ có thể lắng nghe, sẻ chia và đồng cảm với mình. Thế nhưng, dù đã tìm thấy một người như vậy, thì vẫn sẽ có khổ đau, vẫn sẽ có phiền não xảy đến. Sự xúc chạm trong một mối quan hệ vốn dĩ không phải để ta thất vọng về người kia, hay về chính mình, mà để ta thấy ra chân lý trong cuộc sống. Bởi hạnh phúc vốn là một kiểu giam cầm ta khỏi việc trực nhận sự thật, chỉ khi khổ đau đến, con người ta mới chịu chiêm nghiệm sâu sắc, mới chịu tìm về chính mình, mới chịu học, mới chịu nương tựa vào bản thân, rồi mới chịu tỉnh ngộ. Đó là lý do vì sao sau khi Đức Phật giác ngộ, ngài dạy về hai điều: Khổ và Con đường tự do khỏi khổ. Ngài không dạy về an lạc và cách có an lạc, mà chỉ thẳng vấn đề khổ não đang hiện diện trong mỗi người để từ đó khai thị cho họ. 

Có một người hỏi tôi rằng như thế nào là một người yêu lý tưởng. Tôi trả lời rằng: Đó là đừng lý tưởng hóa họ, và đơn giản chấp nhận họ như họ đang là mà thôi. Vì ngay chúng ta cũng mong muốn người khác chấp nhận chúng ta như chúng ta đang là. Vậy thì, ta cũng đừng mong cầu một điều gì về đối phương để rồi cũng chính mong cầu đó mà ta trở nên thất vọng và đau khổ. 

Mọi sự xúc chạm trong cuộc đời này là nhân duyên. Mối quan hệ tình yêu, tình bạn, tình tri kỷ cũng thế. Chúng ta đến với nhau để học ra bài học giác ngộ. Trước đây, tôi nghĩ rằng người mình yêu vừa là tri kỷ vừa là người đồng điệu với mình. Nhưng bạn cứ nghĩ mà xem, năm đó ta thấy họ đồng điệu với ta, nhưng năm này có thể không còn đồng điệu nữa. Nhận thức và hành vi của cả hai có thể sẽ thay đổi và không còn như xưa. Năm đó, họ như một người bạn cùng ta sẻ chia biết bao vui buồn, nhưng năm này, họ có thể bận rộn rồi không cùng ta chia sẻ được nhiều như xưa nữa. Vậy thì, điều kiện mà ta đặt ra cho một người yêu cũng chính là lý do mang đến phiền não khổ đau. Ta đến với một người dựa trên tiêu chí nào thì một lúc nào đó sẽ bị thất vọng bởi chính tiêu chí đó. 

Thực tế, trong cuộc đời việc chọn nhầm người hay đúng người chỉ đơn thuần là một quan niệm của bản ngã. Nhiều khi ta cứ nghĩ ta có thể chọn lựa điều gì đó nhưng hóa ra nó lại là sự vận hành của duyên nghiệp. Người đến với ta có khi là để trả nợ, có khi là để đòi nợ, có khi là để trả oán, có khi là để đền ơn,... Sợi dây nhân duyên trùng trùng điệp điệp không phải để ta sợ hãi và trốn tránh mà lấy đó làm nền tảng cho quá trình giác ngộ. Và vai trò của nghiệp chính là sự xúc tác cho việc điều chỉnh hành vi và nhận thức. 

Như thế, khi ai đó kết duyên với ta làm tri kỷ, tình yêu nam nữ hay vợ chồng, thì mọi nợ nần, ân oán,... đều có thể được hóa giải một cách ổn thỏa nếu ta biết sống một cách vị tha và chấp nhận họ như họ là. Nhiều khi, ta nghĩ ta có thể cảm hóa, chuyển hóa một ai đó nhưng chính chúng ta tự chuyển hóa chính mình trong tương tác với họ. Nhờ họ, mà ta nhận ra các bài học. Khi họ bị đau ốm, ta học cách yêu thương chăm sóc. Khi họ tức giận, ta học cách nhẫn nại. Khi họ rời xa, ta học cách nương tựa vào chính mình. Khi họ yêu thương lo lắng cho ta, ta học cách biết ơn và trân trọng. Khi họ sai lầm, ta học cách tha thứ... Như thế, mọi sự xúc chạm đều khiến ta trở thành phiên bản tốt nhất và dần dần khám phá ra chân tâm vốn vô ngã vị tha. Chân tâm vốn bao trùm tất cả mọi sự vật hiện tượng để rồi tôn trọng toàn bộ mọi hiện hữu mà không một sự trách móc hay mong muốn uốn nắn, bẻ cong bất kỳ một ai. 

Nếu bạn có mong cầu về một người yêu lý tưởng, hay tự hỏi sao may mắn chưa mỉm cười với mình, thì hãy nhớ một điều rằng, mọi chuyện đều đã được chuẩn bị sẵn, cái quan trọng là hãy chuẩn bị cho mình một nội tâm vững vàng và tấm lòng phóng khoáng bao dung để có thể chấp nhận bất cứ một ai, một số phận nào nếu họ có hữu duyên gõ cửa cuộc đời bạn.





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.