tự do trong cô đơn
Trang hiểu như thế nào về cô đơn?
Cô đơn có hai loại: thứ nhất là cô đơn do bản ngã tạo ra. Tức bản ngã, cái tôi của chúng ta không tìm thấy sự đồng thuận, chia sẻ và thấu hiểu theo cái cách riêng của nó nên nó cảm thấy bị cô đơn. Chẳng hạn, khi đứa con bị cha mẹ đối xử lạnh nhạt, sự đối xử này không đáp ứng mong cầu, kỳ vọng của nó, nên nó cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn này nhìn chung khiến cho mỗi người cảm thấy khó chịu, buồn bã và như bị cô lập khỏi thế giới xung quanh. Sự cô đơn này khiến họ khao khát và tìm kiếm sự thấu hiểu và đồng điệu ở bên ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ đang thiếu kết nối và thiếu lắng nghe chính mình để biết mình. Sự cô đơn do bản ngã tạo ra khiến họ, một là thu mình cô lập, hai là hướng ra bên ngoài để tìm kiếm niềm vui nhằm thỏa mãn cái tôi hay khỏa lấp đi cô đơn đó.
Tuy nhiên, có một cô đơn lặng lẽ và đẹp đẽ xuất phát từ cái tâm trong sáng và rỗng lặng. Cô đơn này tự nhiên và thuần khiết. Cô đơn này thể hiện con người đó biết soi sáng lại chính mình, biết quay về bên trong để thấu hiểu mình. Họ sẽ không còn phải dựa dẫm vào bất cứ ai để thỏa mãn cái tôi. Họ đơn giản có mặt trọn vẹn với chính mình trong khoảnh khắc hiện tại. Cái cô đơn này theo Trang nghĩ mới là cô đơn đích thực.
Phải chăng con người phải trải qua cô đơn mới có thể trưởng thành?
Như Trang đã chia sẻ, con người sẽ trải qua giai đoạn cô đơn do cái tôi/cái bản ngã tạo ra để họ biết rằng cuộc sống này bất toàn. Bất toàn ở đây có nghĩa là không phải tất cả mọi thứ đều theo như ý muốn/mong cầu của mình. Để từ đó, họ biết nương tựa vào bản thân chứ không phải là nương tựa vào bất cứ ai, bất cứ điều gì ở bên ngoài. Vì nương tựa vào cái bên ngoài thì bao giờ cũng không chắc chắn. Vợ dựa vào chồng, chồng dựa vào vợ, điều này là dễ thấy trong cuộc sống, nhưng ta biết không phải lúc nào chồng và vợ cũng có mặt bên nhau, vì thế, người vợ và người chồng phải tự mỗi cá nhân biết nương tựa vào chính mình thay vì dính mắc hay phụ thuộc vào đối tượng kia. Lúc này, họ mới dần thoát khỏi cái cô đơn do bản ngã tạo ra và dần thấy vẻ đẹp của sự cô đơn trong sáng khi lặng lẽ soi sáng lại chính mình.
Vậy Trang hiểu sao về việc tận hưởng và chịu đựng cô đơn?
Trang lấy một ví dụ cụ thể về cá nhân mình. Cuộc sống của một người viết lách như Trang thường cô đơn, mà cái cô đơn này là hoàn toàn lặng lẽ tự tại. Cô đơn ở đây tức là Trang kết nối với bản thân mình gần như toàn bộ thời gian trong ngày, và cảm thấy tận hưởng với điều đó. Trang không thúc ép mình đi tìm mối quan hệ bên ngoài mà chỉ đơn giản có mặt trọn vẹn trong các mối tương giao. Tức tùy duyên đến thì mình sẵn sàng đối diện, còn nếu không thì mình cũng chẳng mong cầu. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp này, Trang đang chịu đựng nỗi cô đơn thì Trang sẽ thấy rất khó chịu, Trang sẽ muốn ra ngoài kết nối với ai đó, sẽ muốn có người này người kia bầu bạn thấu hiểu mình. Nguyên nhân của sự chịu đựng cô đơn là do thiếu soi sáng lại chính mình, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là thiếu chánh niệm – tỉnh giác.
Có những người khi chia tay lại đi tìm mối quan hệ mới để hằng mong khỏa lấp cô đơn, nhưng tạo tác ấy của họ lại chỉ khiến họ trở nên cô đơn hơn mà thôi. Trang thấy sao?
Mỗi người nên có những khoảng lặng để tự soi sáng lại mình. Không một ai ở bên ngoài có thể làm đầy bên trong chúng ta ngoài chính chúng ta. Mỗi người đến trong cuộc đời ta chỉ đơn thuần đóng vai trò nhân duyên và họ cũng ra đi vì nhân duyên. Thế nên, nếu ta tìm cầu mối quan hệ để mong có sự đủ đầy thì điều đó là hoàn toàn bất hợp lý. Vậy nên, khi chia tay, bạn buồn thì cứ có mặt trọn vẹn với nỗi buồn, để thấy chính mình, để học bài học về nỗi buồn đó một cách sâu sắc nhất. Còn nếu cô đơn, hãy nhìn thẳng vào sự cô đơn của chính mình, Trang tin rằng một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng à thì ra cô đơn không đáng sợ đến thế, cô đơn thật tĩnh lặng và đẹp đẽ biết bao. Trong cô đơn, bạn có sự tự do để làm những điều mình thực sự thích và đam mê. Và trong sự cô đơn tự nhiên đó, bạn không còn bị ảnh hưởng bởi những tiếng nói bên ngoài, bạn không còn bị lôi kéo bởi những phù phiếm của cuộc sống.
Trả lời phỏng vấn chị An Lộc bên Đài Bình Dương.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.