biết ngồi yên

2:06:00 PM
Cuộc sống có quá nhiều vấn đề đến với ta đúng không bạn! Có những giai đoạn, nhiều nhân duyên xảy đến bất ngờ và rắc rối đến nỗi sự phiền não dấy lên trong ta tự lúc nào không hay, và cũng đột ngột không kém, khiến ta có cảm giác rằng dường như việc trụ vững giữa cuộc đời là điều gì đó hoàn toàn xa xỉ. Nhưng bạn có biết rằng, sự xuất hiện một cách tới tấp của các vấn đề bên ngoài lại là một tín hiệu tốt đẹp, một hồi chuông cảnh báo để nhắc nhở ta biết trở về chính mình. Và những lúc như vậy, biết ngồi yên lại là một điều thực sự quý giá. 

Tôi còn nhớ, nhà toán học lừng danh Pascal từng nói một câu thế này: "Mọi vấn đề của con người xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng." Tất nhiên, ta không nên hiểu rằng việc ngồi là hành động ngồi xuống của thân thể, và căn phòng là một địa điểm mang tính địa lý. Mà ta nên hiểu rằng, ngồi yên một mình trong phòng tức biết trở về thực tại, thấy thân, tâm, cảnh nơi mình, để không tiếp tục tạo tác theo cái tâm tham, sân, si gây hại cho ta và gây hại cho người. Chẳng phải những vấn đề mà nhân loại đang đối mặt đến từ việc con người phóng tâm vô minh ra bên ngoài rồi tạo dựng những vấn đề tiêu cực nương theo sự vô minh ấy hay sao? Thế nên, tất cả mọi trở ngại trong cuộc sống này đều đến từ việc không chịu soi sáng lại mình mà cứ thể hiện cái tôi của mình như một cách chiều chuộng và chăm sóc cho cái tôi đó càng ngày càng lớn lên thêm. 

Mọi chướng ngại trong đời đều tự một mình cái tôi gây ra!

Có người nói rằng ngồi yên đã là tu. Thực ra, nếu hiểu việc ngồi yên tức là hành động ngồi xuống, không làm gì thì vẫn chưa thực sự đúng. Ngồi yên đã là tu ở đây có nghĩa là dù làm gì đi nữa, đi, đứng, nằm hay ngồi mà biết mình, thì đó là tâm biết "ngồi yên", tâm không khởi tạo tác, tức trở về chân tâm trong sáng rỗng lặng. Dù ở trong một nỗi đau, sự phiền muộn, giận giữ mà biết soi sáng lại mình, cảm nhận trọn vẹn những cảm thọ ấy bằng thái độ trong sáng thì cũng có nghĩa rằng tâm đã "ngồi yên". Khi tâm biết "ngồi yên", nó không có khả năng gây hại cho bất cứ ai. Nó hoàn toàn hồn nhiên tịch tịnh. 

Điều đáng tiếc là ở chỗ, con người lại thường tìm kiếm sự an lạc của trạng thái mà không bao giờ biết rằng trạng thái là vô thường. An lạc của trạng thái cũng vô thường như vậy. Thế nên, tâm ngồi yên không phải là sự yên ắng, tĩnh lặng của trạng thái, mà là thái độ bình thản và trong sáng trước bất cứ điều kiện trạng thái nào: an hay bất an, buồn hay vui, yêu hay ghét,... Chẳng hạn, khi bạn đau bụng, trạng thái ấy là đau bụng, nhưng nếu thái độ của bạn với trạng thái đau bụng là thản nhiên, vững vàng, không chống đối, thì bạn vẫn cảm nhận được một an lạc đích thật của chân tâm. Và cái an lạc đích thật của chân tâm ấy lại không bao giờ biến mất vì nó không phải là trạng thái mà là tự tánh của tâm. Nó bất biến. 






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.