yêu # si mê
Tôi thường nghĩ chữ yêu mà con người ta vẫn thường định nghĩa và hành động trong thế gian này thực ra lại là sự si mê, chỉ là si mê nhiều hay si mê ít. Vì tình yêu chân thực thì sẽ không bao giờ tạo ra sự khổ đau cho chính bản thân người yêu và được yêu. Nhưng si mê ít hay nhiều thì lần lượt đều tạo ra khổ đau ít hay nhiều.
Đầu tiên, khi nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp và dễ thương, người đàn ông bắt đầu để ý hay bắt đầu dẫn mình vào sự si mê. Anh ta liền xin cô ấy số điện thoại, và mối quan hệ giữa bọn họ bắt đầu nảy nở. Từ tán tỉnh nhau, quyến rũ lẫn nhau, họ nảy sinh tình cảm dính mắc nhiều hơn, dựa dẫm tinh thần và thế xác nhau nhiều hơn,... Họ nói rằng đó là một tình yêu sâu sắc. Nhưng đó thực ra lại là sự si mê (sâu sắc).
Tại sao lại dùng từ si mê mà không phải là yêu trong trường hợp trên? Bởi tình cảm giữa hai đối tượng bắt nguồn từ việc họ bị dính mắc vào năm uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Mắt thấy đối tượng (sắc) bèn sinh cảm giác thích thú (thọ), rồi ngày đêm sinh ra tưởng tượng, ảo tượng về đối tượng (tưởng), từ đó bèn có những lời nói và hành động yêu đương chăm sóc (hành), rồi đi đến đúc kết tâm tham, sân hay si (thức). Quá trình sắc, thọ, tưởng, hành, thức này khiến đối tượng tích lũy kinh nghiệm, và từ kinh nghiệm đó đã tạo thành cái ta (bản ngã). Chấp vào ngũ uẩn chính là bản ngã. Nếu một người có đủ trí tuệ, họ sẽ thấy ngũ uẩn không phải là họ, mà chỉ là một quá trình diễn biến trong các sự tương giao. Lúc này, không có một bản ngã để tạo tác hay dính mắc. Chẳng hạn, chàng trai đủ trí tuệ nên nhìn thấy cô gái mà không sinh cảm giác yêu hay ghét, mà chỉ đơn thuần thấy cô ấy như cô ấy đang là.
Nhiều người nghĩ, nếu không sinh cảm xúc thì hóa ra anh ta là người vô cảm hay anh ta là một người trơ về mặt cảm xúc. Nếu nói vậy thì bạn chưa thực sự hiểu. Anh ta thấy đối tượng nhưng tâm không sinh, không có nghĩa là anh ta không có tâm, mà anh ta không chấp vào ngũ uẩn. Vì không có một cái ta, nên mắt thấy sắc cứ thấy sắc, tai nghe âm thanh cứ nghe âm thanh,... các giác quan tương giao với điều gì thì biết như vậy, chứ không bị dính mắc vào. Điều đó không nói lên rằng anh ta trơ về mặt cảm xúc, mà anh ta thấy ra được sự thật không có một cái ta nào nên không chấp vào bất cứ điều gì. Anh ta không si mê cô gái nhưng điều đó không có nghĩa anh ta không yêu cô gái. Nhưng anh ta yêu cô gái như cách anh ta yêu muôn loài khác. Tình yêu bây giờ không còn là sự phân biệt. Tình yêu này chính xác là lòng từ bi, vô ngã vị tha với tất cả chúng sinh.
Vì thế, đạo Phật không hướng tới si mê một đối tượng nào, mà yêu tất cả đối tượng bằng trí tuệ tuyệt đối. Tình yêu mà Phật dạy là tình yêu không phân biệt. Ngài yêu một bông hoa như Ngài yêu một cô gái. Ngài yêu cha mẹ mình như yêu những đồng loại khác. Đó là yêu của một cái tâm vô ngã xem toàn bộ chúng sinh là bình đẳng. Vì không dính mắc vào một cái ta nào, nên tình yêu đó bao trùm lên toàn bộ các cõi. Bởi vậy nên, tính cá nhân không phải là quan điểm của nhà Phật. Và không có một giác ngộ nào mang tính cá nhân. Tất cả đều có trong nhau, là một, không phân chia, không phân biệt.
Nói thế không hàm nghĩa đến việc cấm si mê đối tượng, hay bác bỏ việc si mê đối tượng. Kể từ khi sinh ra trong đời, ta đã bắt đầu vào việc dính mắc vào những đối tượng thân cận nhất là cha, mẹ, anh chị em trong gia đình. Lớn lên, ta si mê người nọ người kia, không ít thì nhiều. Tất cả sự si mê là để đưa đến nỗi đau cho ta học ra bài học giác ngộ rằng không có một cái ta thật sự nào. Mắt là mắt, tai là tai, thân là thân, mũi là mũi,... Chúng đều chỉ là các bộ phận, và không có một bộ phận nào của ta. Hiểu được vậy, ta dần dần không còn bị dính mắc vào chúng, để rồi tự thoát ra khỏi cái bản ngã ảo tưởng.
Lúc này, ta nhận ra một sự thật rằng: Yêu ghét chỉ là phản ứng của bản ngã, nếu thường sáng suốt biết mình thì sẽ chấm dứt yêu ghét và chỉ còn từ bi hỷ xả thôi.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.