mở lòng đón nhận
Trong Ngọa Hổ Tàng Long có câu: "Nắm chặt tay, bạn không có gì. Xòe bàn tay, bạn có tất cả!" Ở một lúc nào đó trên đường đời, khi đã trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, con người ta học cách mở lòng, chấp nhận đa mặt của cuộc sống.
Thật khó khăn để nói cho một người trong đau khổ hiểu ra rằng thực ra đau khổ ấy là tốt đẹp. Thật khó khăn để nói cho một người trong mất mát hiểu ra rằng thực ra về bản chất không có một mất mát nào. Thật khó khăn để nói cho một người trong sung sướng hiểu được rằng sung sướng ấy cũng chỉ là một khổ đau trực chờ. Như vậy, phải trải qua rất nhiều thăng trầm, phải đi qua rất nhiều mặt của cuộc sống, con người ta mới chịu ngồi lại chiêm nghiệm, tìm về chính mình để thấy sự thật ngay nơi mình chứ không phải một chốn nào xa xôi. Sự thật là để thấy ra, chứ mục đích vẫn không phải là để chuyển tải. Đúng hơn của sự chuyển tải này là thấy vấn đề nơi mỗi người mà khai thị, điều Đức Phật vẫn từng làm thời ngài còn tại thế.
Tôi vẫn thường nhìn thẳng vào các mặt ngay nơi mình mà thấy ra. Có mặt này, thì cũng có mặt kia, và làm sao cho cái thấy đó không bị đổ nghiêng về bất cứ một phía nào, thì lúc ấy, ta giữ cho mình được sự thăng bằng. Trong đau khổ, nếu chỉ chú tâm vào đau khổ thôi, thì đau khổ kia sẽ quật ngã bạn. Nhưng nếu bạn cảm nhận trọn vẹn đau khổ trong khi vẫn quan sát thân, thọ, tâm, pháp, thì bạn lại không bị đổ về một phía nào. Bạn vẫn có sự an ổn ngay cả trong khổ đau. Như vậy, khi Đức Phật giác ngộ, nghĩa là ngài đã nhìn thấy muôn mặt cuộc đời. Cái thấy của ngài bao trùm lên tất cả. Đó là một cái thấy toàn diện chứ không phải là một cái thấy nghiêng về phía nào. Vậy thì, chúng ta sống trong cuộc đời này, là để nới rộng cái thấy của mình ra, mà cái thấy này phải nương theo cái tâm trong sáng mà thấy. Thì khi đó mới có thể nhìn ra thực tánh, chứ không phải cái thấy bị bóp méo bởi cái cái tâm tưởng.
Khi đi qua những ngày lặng lẽ, tôi cảm nhận một an ổn thật sự, một an ổn chân thật nằm sâu dưới những xáo trộn. Khi cái tâm trong sáng làm việc, cái thấy dường như xuyên thủng tất cả mọi ảo tưởng để đi vào chân tâm. Cái an ổn lúc này thực sự vững chãi, chứ không phải là một sự an ổn do luyện tập mà đạt được. Và lúc ấy, tôi hoàn toàn chắc chắn một điều rằng mình không bị đi sai hướng. Dù bước chân có nhanh hay chậm, dù công việc có bận bịu hay không, dù phiền não bên ngoài vẫn xảy đến, thì tôi vẫn cảm thấy sự an ổn đích thật bên trong mình. Khi cái thấy nới rộng ra bằng cái tâm trong sáng, ta thấy xung quanh mình đều thật sự trong sáng.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.