việc gì đến cứ đến
Mọi sự trong đời như những con sóng ngoài đại dương. Sóng cao, sóng thấp, không biết đường nào để lần. Vì thế, hãy luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng của một người lướt sóng. Người ta chỉ có thể lướt sóng khi sóng dâng cao, cũng giống như cuộc đời phải thăng trầm, thì ta mới có thể học ra bài học của mình. Vì thế, sự tu học không phải để đạt an lành, mát mẻ trong từng khoảnh khắc mà đối diện với những thăng trầm mà tâm vẫn bình lặng "lướt đi" trên những thăng trầm đó, như người lướt sóng, anh ta phải giữ được sự thăng bằng để không bị sóng xô ngã. Anh ta chao lượn nhẹ tênh trên những con sóng dập dồn...
Có một người học đạo suốt nhiều năm vì tin nghe và thực hành Phật pháp mà trong tâm luôn mát mẻ và an lành. Nhưng rồi bỗng một ngày, người này rơi vào tình trạng âu lo không thể lý giải, nhiều đêm liền mất ngủ với một sự bức bối khó chịu cả trên thân lẫn tâm. Nhưng nhớ lại lời người thầy giảng dạy, việc gì đến cứ đến, đi thì đi, cốt lõi là thấy mình trong mọi hoàn cảnh. Thay vì thất vọng vì đã đánh mất sự an lạc bấy lâu nay, vị học trò buông một cách tự nhiên, để trở về thực tại, thấy thân, tâm, cảnh như nó đang là. Sau hơn một tháng thực hành chánh pháp như vậy, anh ta bắt nhịp nhanh nhạy với hoàn cảnh cho đến khi sự buông xả diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên chứ không còn có một cố gắng nỗ lực nào của bản ngã.
Khi nhạy bén với mọi sự việc hiện tượng diễn ra trên thân, tâm, cảnh, và nếu chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đối diện, ta cũng sẽ dễ dàng đón nhận những chuyện đến và đi trong cuộc đời mình. Những câu chuyện đột ngột xảy đến đôi khi không bắt rễ từ nguyên nhân trong hiện tại, mà là nghiệp quả từ quá khứ đưa đẩy đến. Vì thế, vấn đề nào cũng nhất định có lý do, chỉ là đôi lúc, tự ta lại không thể nào giải thích được nó. Thay vì loay hoay trong việc phân tích tìm kiếm nguyên nhân, hãy cứ thả lỏng thân tâm để trở về thực tại mà thấy. Lúc này, ta không còn bị bản ngã lăng xăng tạo tác khiến vấn đề trở nên nặng nề hơn.
Có người hỏi sống để làm gì, mục đích sống trong thế gian này là như thế nào... thì câu trả lời chính là giữ được thăng bằng giữa những con sóng cuộc đời. Khi xưa, Đức Phật chỉ con đường giác ngộ là trung đạo, tức tránh xa hai cực đoan: hưởng thọ dục vọng và tu tập khổ hạnh. Trung đạo cũng là thái độ cởi mở, ung dung, không chấp giữ, dính mắc vào bất cứ điều gì, giống như người lướt sóng mà không bị quật ngã bởi sóng, và người sống giữa cuộc đời mà không bị dòng đời xô đẩy.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.