chỉ cần cười khi biết mình trong sạch!

5:44:00 PM
Những hiểu lầm của người khác về ta, những xảo trá và thử thách chốn thế gian diễn ra là để kiểm tra xem tâm của chúng ta có đủ bình thản và vững chãi. Nhưng đấu đá, những hơn thua... thì cuối cùng, ai sinh ra cũng phải chết đi, chẳng qua là xem ai chết thanh thản hơn. 

Một học trò gửi thư đến thầy: "Con đang phải chịu nhiều thiệt thòi và oan ức chốn công sở. Họ luôn đưa con vào thế 'tình ngay lý gian' vì khi con giao ca lại cho người khác thì phải có chữ ký của con, con và họ đều đã kiểm tra tiền bạc lại đầy đủ. Nhưng khi con về thì người ta lại bảo mất tiền và bắt con bồi thường. Đã nhiều lần lặp lại như thế nhưng con lại chẳng thể biện minh. Không những thế, biết bao sự cố đổ dồn lên đầu con một lúc. Con càng giải thích, họ càng bảo con biện hộ. Khi con im lặng, họ bảo đó là lỗi của con!" 

Vị thầy trả lời: "Những bất công ở đời là để thử thách xem tâm con đã thật sự vững chãi hay chưa. Đây là cơ hội tốt để con học ra bài học hạnh của đất như Đức Phật đã dạy, hay hạnh của nước của Lão Tử. Nếu hạnh nhẫn nhục, bao dung, trưởng dưỡng của đất được coi là con đường tới cửa Phật thì hạnh của nước thể hiện ở chỗ linh hoạt, nhu hòa, khéo léo, tuy yếu mềm mà có thể làm mòn đá núi, hay như người ta vẫn nói mềm thắng cứng, yếu thắng mạnh. Nước bao giờ chả chảy xuống chỗ thấp, không tranh giành nên không thất bại. Người thiện, ta thiện, nhưng nếu người không thiện, ta vẫn cứ thiện. Khi thông suốt bài học này, con sẽ chẳng còn phiền lòng. Và đúng là con chỉ cần cười khi biết mình trong sạch!"

Chúa từng nói: "Chớ tưởng Ta đến để đem bình an cho thế gian; Ta đến, không phải để đem bình an, mà là gươm giáo." Khi đọc đến đây, có lẽ, nhiều người lầm tưởng rằng thật độc ác để nói ra những lời như vậy. Nhưng loài người sẽ học được gì nếu không có những khổ đau và gian truân? Nếu không có những lừa lọc xảo trá? Sự tỉnh ngộ bao giờ cũng diễn ra khi người ta ở "tột cùng" của nỗi bất hạnh. Để từ đó, họ nhận ra một điều rằng còn nương tựa là còn dao động. Và không phải là ngoại cảnh chi phối họ, không phải những "gươm giáo" chốn thế gian chi phối họ, mà họ tự đâm mình bằng những lưỡi gươm, mũi giáo. Và lúc này, họ liền tỉnh ngộ: "Khi tâm thanh tịnh thì liền thấy các pháp đều thanh tịnh". 

Như thế, đừng mong cầu "gươm giáo thế gian" phải chấm dứt, mà làm sao để đối mặt với "gươm giáo chốn thế gian" mà không tự mình đâm thẳng vào chúng hay không tự tạo ra gươm giáo mà đâm vào chính mình. Bất bình ở đời giống như dòng nước trôi, nếu ta buông xuôi theo nó thì sẽ bị nó cuốn đi, nếu phản ứng lại nó thì ta sẽ vật vã khổ sở thêm thôi.  Như vậy, sống là không phải trôi theo dòng đời mà là thấy dòng đời trôi bằng một thái độ tỉnh thức. Như chiếc gương soi, bao nhiêu điều được nó phản ánh đúng sự thật nhưng nó lại chẳng níu giữ bất cứ điều gì. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.