mọi chuyện xảy đến đều có lý do
Trên đời có nhiều điều vô lý hay phi lý, nếu lấy lý trí ra lý luận phân bua thì chẳng bao giờ có thể giải thích tường tận. Chuyện gì xảy đến cũng đều có lý do. Lý trí của con người là giới hạn, không thể làm sáng tỏ nhiều nguyên nhân cho nhiều vấn đề. Vì thế, càng sống, ta sẽ càng nhận ra bài học đón nhận nghịch cảnh và chỉ có thái độ tỉnh thức trước nghịch cảnh mới là chìa khóa để ngăn chặn mọi nguyên nhân gây nên những phiền muộn và đau khổ.
Có một người tu học mới hỏi một vị hòa thượng: "Thưa thầy, tại sao Tây Tạng là vùng đất tâm linh, nơi có nhiều người học Phật, rõ ràng nguồn năng lượng phải tốt lành, mà vẫn gặp đại nạn là bị Trung Quốc xâm chiếm và đàn áp." Vị thầy mới từ tốn trả lời: "Nếu nhìn theo quan niệm chủ quan, người ta cho rằng đó là một nghiệp quả xấu. Nhưng biết đâu nhờ vậy mà người dân Tây Tạng trở nên vững chãi hơn hơn trên con đường tu học. Đường đời dù đã chông chênh nhưng đường đạo còn gặp nhiều giằng xé và trắc trở hơn thế. Nếu không có chướng ngại của ngoại cảnh mang đến, thì không thể thấy rõ bên trong mình, liệu mình còn tự tạo ra chướng ngại cho mình hay không. Nếu nhìn về khía cạnh cộng nghiệp thì thật khó để giãi bày. Vì ta tin rằng chỉ có những bậc chánh đẳng chánh giác như Đức Phật mới nhìn thấy được cộng nghiệp của xứ sở ấy mà thôi."
Bởi vậy, sống ở đời, không phải chuyện gì cũng có thể truy tìm được nguyên nhân một cách rốt ráo. Và đôi khi việc truy tìm lý do chỉ khiến ta mãi quẩn quanh trong sự nghi ngờ lẫn dằn vặt. Có những chuyện dễ truy tìm nguyên nhân như đau bụng vì ăn phải vật lạ, đau mắt vì nhìn màn hình vi tính quá lâu, thiếu tự do vì đang bị dính mắc vào một mối quan hệ, đau khổ do quá dựa dẫm vào một cá nhân,... Đó là những nguyên nhân có thể thấy ra nếu ta chịu chiêm nghiệm lại chính bản thân mình. Thế nhưng, cũng có nhiều vấn đề nan giải trong cuộc sống mà ta không thể tìm ra nguyên nhân, bởi đôi khi vấn đề ấy có thể đến từ một nhân đã tạo ở các kiếp trước mà ta chẳng thể nhớ, và chẳng thể thấy được. Vì thế, chỉ cần biết rằng, sống đúng tốt ở thời điểm hiện tại chính là chìa khóa gỡ rối cho mọi vấn đề đã gây ra ở quá khứ hay ở các hành trình sống trước.
Thật sự, có nhiều chuyện ở đời, ta thấy, nhưng ta không thể và đôi khi không nên can thiệp (quá sâu). Nếu ta để cho tình cảm bên trong mình dẫn vào đó, thì ta sẽ dễ bị chi phối bởi ngoại cảnh đó nếu nội lực của chúng ta chưa đủ mạnh. Và đôi khi, ta nghĩ rằng ta đang giúp một người thoát nạn, nhưng ta lại đang khiến cho họ không tự học ra bài học của mình. Khi xưa dòng họ Thích Ca sắp sửa gặp đại nạn, Đức Phật biết trước điều đó, nhưng không cứu giúp vì ngài nhìn ra được cộng nghiệp của dòng họ, và ngài biết rằng đã đến lúc họ gặt quả. Ngài không thể can thiệp vào nhân quả, vì nếu can thiệp, dòng họ Thích Ca không những không thể học ra bài học ở đời này, và vẫn cứ sẽ tiếp tục gặt quả cho nhân đã tạo ở đời sau mà thôi. Không thể tránh được nghiệp quả. Không bao giờ có thể tránh được.
Nhưng không vì thế mà chúng ta sợ nghiệp quả. Khi một người sống chánh niệm - tỉnh giác, có thái độ đúng đắn trước mọi vấn đề, dù nghiệp quả ấy là gì thì họ vẫn sẵn sàng đón nhận. Khi đã sẵn sàng đón nhận, khi đã đối diện một cách tỉnh thức trước mọi vấn đề, người ta không cần truy tìm nguyên nhân. Vì việc sống đúng tốt ở hiện tại đã hóa giải nguyên nhân rồi.
Người Ấn Độ gặp vấn đề gì cũng nói "no problem" (không sao đâu, không vấn đề gì). Đang tắc đường thì xuống xe đứng chơi và cười nói "no problem!" Quả thật thế đúng không bạn, cuộc đời đâu phức tạp mà tâm con người mới phức tạp. Chính tâm phức tạp ấy của con người, đã phóng chiếu ra một cuộc đời phức tạp trước mắt họ. Nếu tâm họ giờ đây là sự trong sáng vô tư trước các vấn đề, thì họ cũng sẽ thấy cuộc đời là hoàn hảo, và luôn hoàn hảo theo cách của nó. Theo tôi, nếu có thể có một thái độ đúng tốt như vậy, thì đó không phải là một sự thờ ơ vô cảm trước dòng đời ngược xuôi, mà đó chính là bản lĩnh thực sự của một nội tâm vững chãi, đã đi vào, chạm vào được chân tâm đúng nghĩa.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.