độc lập trong mối quan hệ
Một học trò gửi thư đến thầy Viên Minh nói về việc dạo gần đây cậu và người dì không còn thân thiết như xưa, thậm chí là xa cách lạnh nhạt. Thầy liền bảo: "Sao con lại cần sự thân thiết đến vậy, độc lập tự do chẳng phải tốt hơn sao!?"
Dường như bản năng sợ hãi cô đơn, mong cầu kết nối, và bản ngã mong muốn yêu thương nhau của con người quá mạnh mẽ nên khi những mối quan hệ không còn gắn kết, không còn mặn nồng, thăng hoa khiến họ nghi ngại và khao khát trở về trạng thái ban đầu.
Trong một trường hợp khác, có người thưa với thầy: "Vợ chồng con có học và thực hành pháp, nhưng trong hôn nhân vẫn xảy ra rất nhiều mâu thuẫn. Chồng con luôn xem con là gánh nặng, ít khi tâm sự, sẻ chia, động viên, an ủi con. Con buồn lắm, con phải làm sao đây, thưa thầy?" Thầy thẳng thắn và từ bi đáp: "Mục đích đời sống vợ chồng là học bài học này đó con. Bài học độc lập trong mối quan hệ."
Bạn có biết, Đức Phật không hề dạy con người yêu thương nhau. Bạn có ngạc nhiên không? Ngài chỉ dạy chúng ta đừng làm hại chính mình và chúng sinh. Và từ bi mà đạo Phật nói không hề phải là yêu thương. Từ bi ở đây nghĩa là không có sự sân hận. Nhiều người nhầm lẫn điều này. Vì cốt lõi của đạo Phật là vô ngã vị tha, là nhìn thấy chúng sinh hoàn toàn bình đẳng. Trong khi yêu thương là một phạm trù giới hạn. Có người chỉ yêu thương được người trong gia đình mình, có người giỏi lắm cũng chỉ yêu được họ hàng, cộng đồng thân cận với mình. Cái yêu thương đó cũng chỉ là phản ứng của bản ngã, mà đã có yêu thương thì cũng đã bao hàm cả ghét bỏ. Chúng là một, chẳng qua là cấp độ khác nhau. Bạn cứ nhìn vào chính trải nghiệm của mình thì sẽ thấy. Có lúc bạn rất yêu thương cha mẹ, nhưng trong đó cũng đôi lúc bao hàm sự hờn giận, trách móc. Bạn có yêu người bạn trai/bạn gái của mình nhiều đến thế nào đi nữa thì khi họ phản bội, bạn cũng quay ra sân hận họ, chưa kể là trong quá trình ấy còn bao hàm cả ghen tuông ích kỷ... Khi một người hoàn toàn tự do khỏi bản ngã, thì tâm từ bi của họ rải khắp muôn cõi, muôn chúng sinh. Thái độ này vượt xa phạm trù yêu ghét giới hạn.
Bài học của chúng ta là phải trải qua phạm trù yêu ghét, để thấy sự giới hạn đó, để thấy nó đơn thuần là phản ứng của bản ngã mà thôi. Nói điều này để nhấn mạnh đây là một bài học quan trọng không thể nhảy cóc, thậm chí đến kiếp cuối cùng, Đức Phật còn phải học. Ngài cũng đã nhận ra được sự giới hạn của tình cảm vợ chồng, cha con, dòng họ đơn thuần,... từ đó dấn thân vào con đường giác ngộ - giải thoát.
Thế nhưng, bản ngã lại luôn muốn dấn thân vào sự yêu ghét giới hạn. Nếu có muốn độc lập, thì nó cũng chỉ muốn độc lập theo ý chủ quan ích kỷ của nó, chứ không phải là sự độc lập thuận tự nhiên. Chẳng hạn, có khi chúng ta muốn gần gũi với cha mẹ, nhưng có khi lại muốn "độc lập" khỏi họ. Cái muốn "độc lập" này chẳng qua là phản ứng mong muốn của bản ngã. Còn độc lập đích thật là dù đang trong ràng buộc của các mối quan hệ gia đình, bạn bè, người yêu,... thì tâm ta vẫn rỗng lặng tự tại. Nó là cái độc lập có sẵn từ sâu trong tâm hồn, thái độ.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.