đừng cố tu gì cả
Về mặt thực tế, tu mang một ý nghĩa tốt đẹp, tức là quá trình điều chỉnh hành vi và nhận thức từ đó hướng con người trở về "suối nguồn" đã có sẵn bên trong họ. Nhưng phần đông thường có xu hướng hiểu tu theo lý tưởng, theo ý chủ quan của mình, mà thông thường là cho rằng người tu cách biệt với đời sống bình thường, là ở một thế giới hoàn toàn khác, là khô khan, là khuôn khổ, là tỏ ra mình khác người, là theo một chuẩn mực đạo đức nhất định, từ đó tạo ra một ranh giới giữa kẻ tu và kẻ không tu. Không những kẻ nghĩ mình không tu tạo ra ranh giới ấy, mà kẻ nghĩ mình đang tu cũng tạo ra ranh giới đó. Vậy thì những người này đều sống trong lý tưởng của họ, đều tự tạo ra thế giới hữu hạn cho mình. Nhưng về mặt thực tế, tu thật sự lại chẳng tạo ra một ranh giới hay lý tưởng nào. Họ sống có mặt với thực tại, và đối mặt với thực tại. Họ tương giao với muôn mặt đời sống, đón nhận muôn mặt đời sống, không tạo ra định kiến, không chạy trốn định kiến. Như vậy, họ tu hành mà chẳng cố tỏ ra là tu gì.
Trong nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè hay những người mà tôi quen biết sơ sơ hay thậm chí là người lạ, tôi nghĩ rằng bản thân không cần phải nói gì về đạo, về tu, mà tất cả được thể hiện qua lời nói, cách lắng nghe, thấu hiểu và hành động của mình rồi. Vì đạo thì thật sự không phải để nói ra. Có duyên mới thực sự cần nói. Còn không, nếu nói ra lại làm mất đi sự trong sáng và sâu sắc của đạo. Và việc chia sẻ ra đôi khi lại khiến cho cuộc trò chuyện trở nên nặng nề, rối rắm, rồi cũng bỗng dưng tự tạo ra những khoảng cách vô hình. Có lẽ, đó là bài học đắt giá nhất mà tôi đã đúc rút được trong thời gian qua.
Vậy nên, tôi cho rằng tu là sống một cuộc đời hoàn toàn bình thường lặng lẽ. Làm sao để tâm trong sáng và hồn nhiên, nhưng rút tỉa ra từ một tâm hồn biết chiêm nghiệm một cách sâu sắc. Làm sao để trải nghiệm một cách tự nhiên và tự do. Làm sao để không lấy ai làm rào cản cho mình, và đặc biệt là không để việc hình thành lý tưởng bên trong mình làm rào cản cho sự khám phá của bản thân. Và nếu tạo ra một lý tưởng tu gì có lẽ đừng tu gì cả lại tốt hơn, lại đỡ làm khổ mình và làm khổ người.
Hôm trước, ngồi với một người chị, chị bảo gia đình nọ có cặp vợ chồng. Người vợ theo đạo, ăn chay, tụng kinh, niệm Phật, hễ gặp ai ăn mặn là bắt đầu sân si, bảo rằng ăn mặn sát sanh là nghiệp nặng, là như thế này thế nọ. Trong khi người chồng biết vợ ăn chay nên mỗi lần nấu ăn đều tinh tế chia nồi niêu xoong chảo cho việc nấu chay và nấu mặn. Ông sống một cách vui vẻ và khoan dung. Vậy thì cuối cùng ai đang tu?
Một người học đạo tự hình thành lý tưởng hay quan niệm tu học thì thực sự lại chẳng hề tu. Và như vậy thì đừng tu lại tốt hơn cả. Khi ấy, họ sẽ tự nhẹ người, và cũng là nhẹ nhàng hơn cho những người xung quanh. Lý tưởng bao giờ cũng nặng nề và không bao giờ mang đến tự do. Vì đơn giản, sống là phải tự do hoàn toàn khỏi tất cả mọi lý tưởng.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.