chỉ cần trong sáng mà thấy
Đối với tôi, trải nghiệm xem tranh cũng giống như một đứa trẻ ngắm những bông hoa trong một vườn hoa. Nó chẳng cần phải có bất cứ một sự nghiên cứu hay kiến thức nhất định nào về hoa để ngắm chúng, vì tạo hóa đã ban cho nó một đôi mắt để thấy, một đôi tai để nghe, mũi để ngửi và một tâm hồn đã sẵn biết sự cảm nhận lẫn thấu hiểu...
Dù trải nghiệm trong thế giới nghệ thuật của tôi hãy còn vô cùng khiêm tốn, nhưng tôi chợt nhận ra một điều rằng những bước đi ban đầu hay những bước đi sau này của bản thân trong lĩnh vực ấy vẫn luôn tràn đầy sự tươi mới và hồn nhiên. Tươi mới không phải vì mình đã và đang không học được gì. Hồn nhiên không phải vì mình không chịu trưởng thành, mà dù nhận thức cá nhân trong thế giới sáng tạo có sâu sắc hơn thì khi tiếp cận bất cứ một tác phẩm hay một nghệ sĩ nào, điểm chung vẫn là một thái độ trong sáng để không bị những "bụi bặm" thuộc về tư duy phán xét định kiến ràng buộc hay hạn chế mình. Thái độ trong sáng là để thấy mọi thứ như thật, để cảm nhận với một tâm hồn đủ rộng mở để bao dung, và đôi tai đủ lắng để nghe được nỗi lòng, trăn trở của người cầm cọ lẫn đứa con tinh thần của họ.
Biết đón nhận những bất ngờ...
Tôi không nghĩ rằng mình cần phải tách bạch chuyện xem tranh xa lạ hơn so với việc ngắm nghía vẻ đẹp của một cây xanh hay một bông hoa. Tôi bước đến thế giới nghệ thuật không có nhiều sự chuẩn bị về kiến thức hay một nền tàng giáo dục nào đó thật vững chắc. Tri thức đôi khi là kẻ ngáng đường những cảm nhận sâu sắc và tinh tế, vì khi ôm đồm quá nhiều tri thức, người ta sẽ bị mắc kẹt trong tri thức để không còn đủ tự do mà thấy ra sự mới mẻ và khác biệt của một con người hay một tác phẩm.
Tôi nhớ trong một cuộc trò chuyện thân mật với một vài người trẻ có hứng thú tìm hiểu nghệ thuật, họ hỏi tôi: "Phải chăng thưởng tranh thuộc về bản năng!" Tôi mỉm cười gật gù: "Có thể nói là như vậy! Tôi không nghĩ mình cần phải lý tưởng hóa việc thưởng thức nghệ thuật, rằng nó là cao siêu, là xa vời hơn bất cứ một đối tượng nào khác. Nếu chúng ta có thể coi xem tranh là nhẹ nhàng, là không đặt nặng bất cứ một quan niệm chủ quan nào, thì ta có được sự tự do để khám phá thế giới đầy ẩn dụ ấy. Như một đứa trẻ bước vào một khu vườn, nó không cần chuẩn bị gì cả, nhưng nó lại thực sự thích thú trong loại trải nghiệm này. Vì nó không sợ hãi. Vì nó không trang bị cho mình một hàng rào đạo đức hay quan niệm thẩm mỹ nào nhất định, nên nó có thể mở lòng ra mà đón nhận. Chính việc mở lòng là thứ dẫn ta đi được sâu và được xa trên một con đường."
Và cũng như đứa trẻ, khi thấy một bông hoa đẹp lạ thường, em vô cùng thích thú. Em có những biểu cảm dễ thương khác nhau. Em không cần phải hiểu bông hoa ấy được cấu tạo ra sao, nhân duyên nào mà hình thành nó, mà ban đầu, em chỉ đơn giản là thấy biết bông hoa như nó là. Khi đó em thấy được vẻ đẹp của hoa bằng một tâm hồn thật trong sáng. Trước đây và về sau này, tôi nhận ra một điều rằng việc xem tranh của mình về cơ bản vẫn không có quá nhiều sự thay đổi. Vì vẫn giữ cho bản thân thái độ chân thật và hồn nhiên ấy, nên tôi dễ dàng đào sâu được hơn về tâm tư của tác giả. Thái độ ấy cũng giúp ta không bị hạn chế mình trong một quan điểm cực đoan cá nhân. Vì nếu ta có một lý tưởng được hình thành riêng, ta sẽ bị mắc kẹt trong lý tưởng đó. Vậy là, ta xem tranh bằng lý tưởng hạn hữu của mình, chứ không phải là một tâm hồn bất tận (chính là một tâm hồn tự do khỏi mọi định nghĩa, quan niệm sẵn có).
Có thật "cổ hủ" hay không khi tôi vẫn thường nghĩ hành trình sáng tạo là một hành trình tu học của người nghệ sĩ, mà ở đó, việc sáng tác chỉ đóng vai trò nhân duyên để người cầm cọ đến gần hơn với bản lai diện mục của mình. Cũng giống như việc viết, ý nghĩa rốt ráo của nó vẫn là để người trong cuộc tự trải nghiệm - chiêm nghiệm lại chính họ, để họ bước đến thật gần hơn, chắc chắn hơn với chân thiện mỹ, một giá trị không bao giờ là truyền thống mà luôn luôn tiên quyết trong bất cứ hoàn cảnh nào. Vì thế, việc xem tranh của tôi là để biết thêm ít nhất một tâm hồn, nhưng sau tất cả, thì chúng là tấm gương soi để tôi soi lại bản thân, thấy ra được những cung bậc nào đang tồn tại bên trong, từ đó nới rộng nhân sinh quan của mình.
Xem tranh với một thái độ nhẹ nhàng, nhưng chính nhờ sự nhẹ nhàng đó mà ta lại có được sự can đảm và tự do để bước tiếp một bước vào tâm hồn nghệ sĩ, vào tranh, và vào chính mình. Nói đến đây, tôi thật đồng điệu với triết lý của Trang Tử rằng: "Dễ mới đúng, càng dễ càng đúng!" Dễ không phải vì công việc dễ dàng, mà đến với công việc bằng một thái độ nhẹ nhàng để không tự tạo ra sự chèn ép hay áp lực nào cho bản thân. Vì càng tự dằn vặt, mâu thuẫn, càng dễ tách rời suối nguồn sáng tạo vốn cần một thái độ tỉnh thức để tiếp cận. Thế nên, tôi gọi xem tranh là bản năng tự nhiên, hãy cứ thuận theo bên trong mình mà bước tới.
Một bức sơn mài của nữ họa sĩ Hiền Nguyễn
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.