sự thật là thấy ra chứ không thể kết luận
Sự thật không phải là tư tưởng, và không phải là triết lý. Vì tư tưởng và triết lý là sự kết luận, là kết quả của tư duy, nhưng chân lý chỉ có đúng ở đây và bây giờ. Sự thật không thể được kết luận mà chỉ có thể được soi sáng trong thực tại. Nếu người ta thấy ra vô thường trong cuộc sống, thì người ta sẽ không kết luận bất cứ điều gì. Vì một khi anh kết luận lúc này, thì nó chỉ đúng vào lúc này. Thời điểm tiếp theo, mọi thứ liên tục biến đổi. Khi anh thấy một bông hoa vào lúc này, anh chỉ thấy bằng tâm trong sáng thôi, thì đó là thực thấy. Nhưng nếu anh kết luận như vậy mới là bông hoa, thì sự kết luận ấy đã sai khác với sự thật.
Cái ta rất yêu thích việc kết luận, và nó kết luận một cách vô thức, rồi cho rằng sự kết luận ấy là đúng đắn. Trong một ngày, bạn hãy nhìn vào tâm trí mình và xem xét xem bạn đã kết luận bao nhiều lần. Tập khí kết luận rất sâu dày. Nó kết luận một sự việc, một con người, một tập thể, và nương theo sự kết luận, tư tưởng bắt đầu khởi sinh, và họ cho rằng đó là một thứ triết lý rất sâu sắc và cao siêu. Chính tập khí kết luận này đã tự nó sinh ra tà kiến (nhìn sai khác với sự thật). Sự kết luận cũng sinh ra tâm sân, tức không bằng lòng với những điều sai khác với kết luận bên trong nó.
Khi thế giới ảo được thiết lập, sự kết luận của con người được phản ánh một cách nhanh và dễ thấy. Đó là một thế giới của sự kết luận, và đánh giá. Khi người ta nhìn thấy một tấm ảnh được đăng tải, vô thức trong họ kết luận một điều gì đó về người kia. Sự kết luận này rõ ràng không dựa trên sự thật, vì đó chỉ là tập khí phán xét bên trong họ khởi sinh. Tư tưởng này khởi sinh kèm theo những cảm thọ đối nghịch như yêu - ghét, hài lòng - sân hận,... Rốt cuộc, khả năng nhìn sự thật của con người không còn dễ dàng vì họ bị mắc kẹt trong tư tưởng của mình quá nhiều. Đó là những tầng mây dày đến nỗi mắt họ không dễ nhìn thấy thực tánh. Hoặc họ nghĩ họ đã thấy thực tánh, nhưng chỉ đơn giản là thấy theo ý chủ quan của mình,...
Người ta tin rằng những lời Đức Phật dạy là chân lý. Nhưng làm gì phải chân lý, mà đó là phương tiện để chỉ chân lý. Chân lý không nằm trong ngôn ngữ, mà nó nằm trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Dù người ta có khoác lên cho ngôn ngữ những thứ đạo, đức trông có vẻ đẹp đẽ, lý tưởng đi chăng nữa, mà họ không thể thấy mọi thứ bằng một tâm hồn mộc mạc và giản dị, thì đó cũng chỉ là đeo kính râm mà thấy "trời đất". Rồi cũng chính những người "đeo kính" mà thấy lại bị mắc kẹt trong thứ lý tưởng huyền diệu, cao siêu, và những kẻ mê tín lại yêu thích những điều nằm ngoài tầm với của họ, để rồi sùng bái những thứ mà họ hoàn toàn không thể trực nhận. Nhưng bất cứ niềm tin nào đặt để vào cái mà bạn không thể trực nhận thì đó vẫn là vô minh.
Niềm tin cũng có thể gọi là sự kết luận. Nếu bạn tin vào Thượng Đế, nhưng bạn không biết Thượng Đế là gì, hoặc bạn tự định nghĩa Thượng Đế theo cách của bạn, trong khi bạn chưa trực nhận được Thượng Đế, thì điều đó có nghĩa là bạn kết luận Thượng Đế có tồn tại trong khi bên trong bạn lại không hoàn toàn chắc chắn về điều đó. Bên trong bạn rõ ràng nảy sinh sự mâu thuẫn, hoặc bám chấp vào niềm tin cố hữu. Vậy thì niềm tin này cũng xuất phát từ vô minh. Niềm tin chỉ đúng khi người ta trực nhận được sự thật. Trong đời sống, con người thường cho rằng niềm tin rất quan trọng. Họ cần niềm tin để bấu víu, để tồn tại, nó chỉ khẳng định một điều rằng họ sợ điều gì đó nên mới cần đến niềm tin, hoặc đang cố gắng có sức mạnh,... Nhưng cũng chính việc khởi sinh niềm tin đã cản trở họ thấy sự thật. Bởi cái thấy sự thật mới là thứ khiến sức mạnh vốn có của họ phát huy tới vô lượng, mới khiến họ không cần phải bấu víu vào bất cứ điều gì. Còn niềm tin vẫn chỉ khiến họ ở trong một vùng hạn chế nào đó, và niềm tin ấy của họ còn khiến họ khởi sinh sự bác bỏ đối với những con người có niềm tin khác. Nói điều này không phải nhằm phản đối niềm tin riêng của mỗi người, hay bảo rằng niềm tin là xấu, nhưng là để bạn nhìn thẳng vào bên trong mình, để xem xét phải chăng cũng vì niềm tin bên trong bạn mà bạn mâu thuận, bạn đang tạo ra sự đối kháng? Chẳng phải chính vì giữ cho mình niềm tin cực đoan mà thế giới này đấu đá nhau hay sao? Chính niềm tin đã tạo ra một tập khí vô cùng nguy hiểm: đó là sự phục tùng.
Rốt cuộc, để trở về sự độc lập tự do, con người không có lựa chọn nào khác ngoài việc soi sáng lại chính mình và thấy ra được những tư tưởng bên trong họ là gông cùm ra sao!
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.