tìm kiếm
Loay hoay trong sự tìm kiếm như thể là phản ứng cố hữu của loài người. Ngay cả người nhận thức được mình đang bước trở về trên con đường vô ngã cũng không tránh khỏi việc mắc kẹt vào cái tâm loay hoay tìm kiếm, và rồi có lúc, họ vẫn bị rơi vào vòng xoáy vô định giữa cuộc đời rộng lớn và đa đoan.
Như một mối nhân duyên tìm lại, tôi gặp bạn giữa Bình Định yên bình. Ở độ tuổi 26, như bao người trẻ khác, bạn có đủ tự tin và bản lãnh của một người đàn ông dám bôn ba, dám đối đầu với thử thách, nhưng cung bậc tâm đối nghịch vẫn là sự loay hoay, mơ hồ về hiện tại và tương lai. Bạn nhìn xa xăm và hỏi tôi làm sao để con người có thể hiểu được chính mình, và làm sao để có thể luôn vững vàng giữa những khoảng mù dường như bất tận. Nỗi sợ ẩn nấp đâu đó, có khi thoáng qua, có khi mạnh mẽ, khiến bạn và bao kẻ vẫn trong giai đoạn tìm kiếm rơi vào những khoảng cô đơn đầy trống trải, và cũng vì sợ phải đối diện với những cung bậc trạng thái khó hiểu này, họ lại tiếp tục tìm kiếm, tiếp tục cố gắng, như một cách cứu rối chính mình. Đó có lẽ là phương pháp phổ biến mà người ta vẫn thường chọn lựa với hy vọng bằng cách bận rộn đạt được điều gì đó nơi thế gian như tiền tài, danh vọng,... thì sẽ khỏa lấp được những khoảng trống mơ hồ bên trong.
Có những ngày lang thang ở biển, một khoảng không gian đủ tĩnh lặng và bao la, tôi thấy rất rõ tập khí tìm kiếm ở bên trong mình. Khi đối diện với chúng, tôi nhìn ra được tầng tâm này nếu không được nhận diện sẽ dẫn dắt con người trải dài những bước đi đầy vô định giữa đa chọn lựa nơi thế gian, mà như người bạn trên bảo tôi, là cậu đang ở ngã ba đường. Khi người ta không sáng suốt với chính mình, họ sẽ rất khó để đưa ra quyết định. Những con đường phía trước luôn mở ra và trải rộng, nhưng họ lại ngại ngần đặt bước chân đi vì không biết phải lựa chọn con đường nào. Không phải vì con đường là khoảng mù, con đường luôn rõ ràng như nó đang là, mà người ta vẫn chưa thoát ra được những tầng tâm mơ hồ bên trong mình. Và biểu hiện của những con người ở tầng tâm mơ hồ là họ mải miết trong sự tìm kiếm.
Sự tìm kiếm không có gì là xấu xa. Sự tìm kiếm không có nghĩa luôn cản bước đi của bạn trên con đường trở về vô ngã. Nhưng rốt cuộc, tâm loay hoay tìm kiếm nếu không được nhận diện thì bạn sẽ bị cuốn đi giữa dòng đời thăng trầm. Bạn sẽ mãi là nô lệ của sự tìm kiếm. Làm sao ta có thể bình an thật sự khi cái tâm ta vẫn mê mải tìm kiếm một điều gì đó, và có những người sống trong đời không biết họ đang thực sự tìm kiếm một điều gì nhưng tâm vẫn mải đi tìm. Vậy thì việc tâm đi tìm không có gì sai, mà vấn đề ở chỗ ta không biết tâm đang đi tìm và tìm gì. Khi ta biết tâm đang tìm kiếm, thì dù nó vẫn đang tìm kiếm, nhưng nó chẳng thể dẫn dắt ta trôi nổi vô định giữa dòng đời. Ta vẫn ý thức được sự tìm kiếm, nhưng sự tìm kiếm đó sẽ dần được chuyển hóa từ mơ hồ thành có định hướng đúng tốt, và cho đến lúc ta chỉ cần sống đúng tốt chứ không phải là tìm kiếm sự đúng tốt ở bất cứ nơi nào.
Con người thường tin việc chinh phục những thử thách bên ngoài là biểu hiện của lòng can đảm nhưng nhìn cho thật kỹ, thì đó vốn là biểu hiện của nỗi sợ đối diện với chính mình. Họ vin vào tài, tình, danh, lợi cũng là để tránh phải đối diện với những khoảng mơ hồ bên trong. Họ tìm kiếm và bám víu bên ngoài, để tránh việc trở về chính mình. Cho đến một ngày, sự tìm kiếm này không mang đến cho họ điều họ mong muốn, họ buộc phải đối diện với khoảng trống vắng phiền não nơi nội tâm. Họ thấy được cái tâm loay hoay vô định trơ trọi ở giữa những nẻo đường. Họ sợ hãi, và với người không chịu đối diện với chính mình, lại tiếp tục hướng ra bên ngoài, hoặc bám víu vào điều gì đó, với hy vọng phải nhìn thấy những bí ẩn khó hiểu bên trong. Sự tìm kiếm mải mê ở ngoại cảnh thực chất là một cuộc trốn chạy khỏi chính mình nhưng lại được bản ngã khoác lên cho nó những lý tưởng thật đẹp đẽ. Nhưng bất cứ cái gì đạt được ở bên ngoài đều vô thường, đều biến mất, đều chỉ khiến con người cảm thấy trơ trọi nhất mà thôi.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.