cô độc

4:59:00 PM
Bất cứ hành trình nào, kể cả hành trình tinh thần, phần lớn con người đều rất khó đi ''một mình'', rất khó để sống một cách cô độc (solitude). Họ luôn cần một người dẫn dắt, một hình tượng ''giác ngộ'' để noi theo, một đám đông để hòa vào. Và khi đọc về những khó khăn và gian truân mà hình tượng đó trải qua, họ cảm thấy được an ủi phần nào. Niềm tin và sức mạnh trong họ được củng cố. Nhưng sức mạnh này không đến từ nghị lực thật sự và sâu thẳm của họ. Sức mạnh này của họ được ''nuôi dưỡng'' bởi việc đọc về những bậc thầy... Và trong thử thách, họ muốn lắng nghe minh sư nào đó từng phạm những sai lầm này nọ và trải qua nhiều khó khăn như thế nào. Nếu không tiếp cận điều này, họ cảm thấy như chơi vơi và cạn kiệt. 

Tại sao chúng ta luôn muốn được tiếp sức và được truyền cảm hứng từ những mẩu chuyện từ bên ngoài? Bằng cách này, chúng ta sẽ không thể nào đối diện hoàn toàn với chính mình, đặc biệt là những xáo trộn, những lung lay, những mông lung, những yếu đuối, những thôi thúc... Tất cả đang cuộn trào bên trong, bạn có thấy!? Nhưng bạn luôn muốn lẩn tránh nó, thoát khỏi nó, để đọc, để vin vào một hình tượng, một câu chuyện, một bậc thầy... Nhưng bất cứ thứ gì được viết về ai đó, nom có vẻ thật chân đi nữa thì cũng không bao giờ là sự thật.

Tại sao rất ít người là Siddhartha trong "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse, một kẻ tách mình ra khỏi tăng đoàn, ra khỏi bậc giác ngộ để đơn độc trong con đường về vô ngã? Tại sao phần lớn là Govinda, một người mộ đạo hòa vào tăng đoàn và mải tìm kiếm sự thật theo lý tưởng của anh ta? Phần lớn đều muốn nương nhờ, bất cứ ai, bất cứ điều gì, và đặc biệt là chữ nghĩa. 

Trong ngôi nhà gỗ nhìn ra đồi xanh ở Đà Lạt, tôi thường ngồi ở ban công, nhìn ra khoảng trời mênh mông rồi thấy lòng mình như xáo trộn để đi vào tận ngóc ngách sâu thẳm của chính nó. Quá trình ấy như thai nghén, thật dễ bị tổn thương và cũng thật đầy hoan hỷ. Với nỗi cô đơn, với sự hiu quạnh, với sự bình yên, với chút mênh mang bảng lảng, và cả hạnh phúc sung sướng. Tất cả ở đây rồi. Bạn có nghe quẫy đạp từ tiếng lòng. Đi sâu hơn nữa. Hãy lắng nghe kỹ hơn nữa. Hãy kiên nhẫn thêm nữa. Như Siddhartha đã đau điếng tận cùng để nghe dòng sông lúc như hát ca lúc như thét gào lúc như giận dữ lúc như điên cuồng và lúc như thinh lặng ngoan hiền... Và rồi chỉ còn là khoảng không vô cùng. 

Thật dễ để ở gần con người, thật là một cuộc sống dễ dàng khi luôn có ai đó cạnh bạn, quan tâm bạn, nhưng bạn chưa từng ở cạnh bạn đủ sâu và đủ lâu. Người mà bạn ghê sợ và ghét nhất là chính bạn, vì bạn không bao giờ chịu đối diện với chính mình. Vậy thì tình yêu và lòng từ mà chúng ta nói chỉ là những tếu táo. Con người phải trải thật sự hết cái cô đơn và cô độc tận cùng, thai nghén từ tâm họ, để xuyên qua cô độc đó và thấy nó thực sự bao trùm tất cả...



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.