sự sống bất tận
Thi thoảng, tôi trò chuyện với bác chủ nhà. Và sáng hôm trước, cũng là một ngày đẹp trời khi tôi đạp xe trở về, tôi xuống quầy cà phê và trò chuyện cùng bác. Bác là người ưa thích đàm đạo. Trong hầu hết trường hợp, tôi chỉ đơn giản là người lắng nghe. Tôi luôn thấy ở bác sự hào sảng và tự do trải nghiệm.
Dù bác đã ngoài 50 và ngấp nghé độ tuổi 60, nhưng mỗi lần trò chuyện, bác vẫn xưng "mình - cô bạn" với tôi. Một kiểu xưng hô thật gần gũi như những người bạn tâm giao, tri kỷ vẫn thường thế. Chẳng có khoảng cách tuổi tác, chẳng đặt nặng lễ nghĩa, như vậy thật tốt. Bác dành cả cuộc đời để đi. Và khi du học trở về Đà Lạt ở tuổi cũng gần 30, bác không muốn phải theo nghiệp sắp đặt của gia đình làm quan lớn, mà muốn tự do trải nghiệm. Bác mua mảnh đất rộng nhưng rồi làm chuồng gà, có những đợt nuôi đến cả 2000 con gà, để mưu sinh. Rồi bác lấy vợ, hai vợ chồng không quản ngại khó khăn dựng cơ nghiệp đi lên từ chăn nuôi gà, rồi duyên làm nhà gỗ homestay cũng đến. Một mình bác thiết kế bao ngôi nhà ở xóm nhỏ này. Đối với bác, công việc chân tay thật hữu ích và gần nhất với sinh tồn. Dù bác học cao hiểu rộng đi nữa, bác chưa một lần ngồi bàn giấy, chưa từng đi theo lối cấp trên với bất cứ người nào.
Rồi bác bảo tôi: "Cô bạn còn trẻ, cô bạn phải đi. Canada hay Úc, có nhiều nơi cho cô bạn chọn lựa. Đi ra ngoài để thử thách lòng can đảm và để làm bé lại nỗi sợ hãi bên trong." Bác làm tôi chột dạ. Cuộc sống bấy nhiêu nay, từ năm 18 tuổi đến giờ, chưa bao giờ đôi chân tôi thôi ngừng bước. Có những điều không phải mình cố cho bằng được, mà đơn giản duyên của mình là thế. Và duyên đi đây đi đó lại là cách tuyệt vời để tôi mở mang tầm nhìn từ bên trong. Tôi nhớ đến những người bạn của mình. Họ bỏ công việc quản lý, công việc làm sếp, đầu tóc chải chuốt, quần áo lượt là để sang Úc làm việc tay chân trong nông trại. Có hôm anh bạn và tôi hàn huyên: "Chả mấy ai biết anh sang đây hái trái cây đâu em ạ. Người bên mình thường định kiến về công việc." Tôi biết chứ. Bất cứ người làm cha làm mẹ nào nuôi con ăn học cũng muốn con mình vượt ra khỏi hai chữ "làm nông". Rồi người ta khinh rẻ làm nông dù mỗi ngày họ phải sinh tồn, phải sống bằng chính công sức lao động của những người làm nông nghiệp.
Hôm nay, một người bạn của tôi đã đáp xuống sân bay Melbourne, một vùng đất mà tôi cũng chưa đọc gì nhiều, nhưng tôi thực sự mừng cho bạn. Một người bạn trạc tuổi tôi, nhưng đã sống những năm thang lang đây đó với một con tim giàu tình cảm và can đảm. Bạn đùa mà như thật: "Hay Trang qua đây đi!" Và tôi cũng đùa mà như thật: "Cũng muốn lắm đấy!" Tôi biết cuộc sống của mình sẽ đi nhiều, có thể sẽ xuất ngoại, nhưng nào ai biết trước tương lai. Sẽ ở đây và bây giờ cái đã. Thật trọn vẹn.
Mình có thể làm bất cứ nghề gì để sống, miễn là lương thiện. Tôi cũng có tư tưởng đó. Tôi có thể viết để sống, có thể rửa bát để sống, có thể làm nông, có thể làm giúp việc... Bất cứ nghề gì khi cuộc sống cần tôi. Chưa một lúc nào trong đời, tôi có ý nghĩ phải tranh đấu cho một vị trí nào đó trong chốn công sở. Tôi chỉ đơn thuần lao động vì thực sự đam mê nó, và tài chính sẽ đến như một hệ quả đơn thuần. Thực sự, cuộc đời không triệt đường sống của ai bao giờ, nhưng vì muốn sống theo cách này cách kia mà người ta đã lãng phí sự sống bao la muôn ngả của họ.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.