dích dắc
Quãng thời gian chuyển lên Đà Lạt sống cũng là lúc tôi gặp khá nhiều người đang trong một quá trình chuyển đổi. Họ dừng mọi công việc, để trải nghiệm những điều khác và lấy cách ấy để thấu hiểu thêm về bản thân. Sống trong một xã hội mà hầu như tất cả mọi người đều làm việc, đều tìm kiếm việc mới ngay khi dứt một việc làm cũ, thì quyết định không làm gì cả trong một thời gian đôi khi là một thử thách. Nói thử thách vì quyết định đó sẽ khuấy động nỗi sợ bên trong mỗi người. Vì ai ai cũng muốn cuộc sống phải tiếp diễn, phải được đảm bảo về mặt sinh kế, phải tích lũy, phải thăng tiến... Nghỉ việc một thời gian khiến họ đôi khi rơi vào tâm lý sợ bị lãng quên, sợ bị hao hụt về mặt tài chính, sợ bị gia đình hay bạn bè đánh giá, và nỗi sợ lớn nhất là họ tự đánh giá chính bản thân mình là người lười biếng hoặc người không có chí tiến thủ, hoặc thậm chí có người hoang mang mỗi ngày vì họ không biết phải làm gì. Khi xã hội chạy về một phía, mà mình chạy về phía ngược lại thì tâm lý mỗi người đều không tránh khỏi hỗn mang.
Cuộc sống rất khó khăn. Nhưng bất cứ ai chấp nhận sự thật rằng cuộc sống khó khăn thì sẽ không thấy cuộc sống khó khăn nữa. Hầu hết con người đều sống vì tương lai, nên họ luôn cần một sự đảm bảo. Nếu không có sự đảm bảo về mặt vật chất, họ sẽ rất lo lắng và tâm họ luôn lăng xăng tạo tác điều này điều kia để khỏa lấp đi nỗi sợ hãi nhấp nhổm ấy. Cuộc sống mang đến cho họ sự chuyển đổi để họ học cách đối diện với một điều kiện mới, và trong điều kiện này, họ cần học cách tĩnh lặng hay hiện diện với thực tại. Cuộc sống là một chuỗi hiện tại tiếp diễn, mà ta không thấy tương lai đâu, mà chỉ có giây phút này. Điều ta có duy nhất là giây phút này. Sự khó khăn thường lớn lao khi con người phóng tâm lo lắng về sự sống của họ trong tương lai.
Đối diện với một sự chuyển đổi mang đến sự can đảm và kiên nhẫn mạnh mẽ. Những con người này sẽ học được bài học về trong phúc có họa, và trong họa có phúc. Khi gặp họa, người ta học rất nhiều về tính nhẫn nại. Khi phúc, con người sẽ học rất tốt về tính vô thường và không kiêu ngạo. Cuộc sống là chuỗi dích dắc kéo dài như thể vô tận, mà khi khi thăng hoa, những con người ngạo mạn sẽ dễ ngã đau khi họ bị đẩy xuống điểm trầm. Tuy nhiên, đồ thị dích dắc không định nghĩa nên số phận của chúng ta, mà thái độ của chúng ta đối với những điểm rơi trong cuộc đời sẽ định nghĩa nên sức mạnh của người đó. Dích dắc là bản chất cuộc sống, lúc nào cũng biến thiên, lúc lên cao, lúc xuống dốc; thái độ là cách chúng ta cư xử với bản chất cuộc sống đó. Và bài học mà tôi học suốt một thời gian dài vừa qua nằm ở ba chữ NHẪN NẠI, NHẪN NẠI và NHẪN NẠI.
Dích dắc luôn có mặt trong cuộc sống của mỗi người, dù họ là phàm phu hay bậc thánh, vì bản chất cuộc sống vốn tuôn trào qua tất cả, mà không cho ai hơn ai, mọi người đều bình đẳng. Nhưng vì không chịu kiên nhẫn nên người ở nốt trầm thì cứ run sợ và mong mỏi để leo cao, còn kẻ leo cao lại thường kiêu căng và khinh khi kẻ ở dưới. Nhưng họ đều không biết chỗ đứng không nói lên khả năng một người, mà thái độ về chỗ mình đang đứng nói lên rất nhiều về sức mạnh của anh ta. Bản chất cuộc sống sẽ phơi bày cho bạn thấy một sự thật là chỗ đứng sẽ luôn luôn thay đổi, vì thế đừng cố gắng níu giữ chỗ đứng mà hãy thích nghi với mọi điểm rơi trong đồ thị dích dắc với một tâm hồn can đảm và nhẫn nại.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.