tạm biệt
Một trong những bài học thật quan trọng của đời người là biết rời đi đúng lúc và chấp nhận ai đó rời khỏi mình.
Trong rất nhiều nền văn hoa, chia tay đôi khi là một trải nghiệm khổ sở với nhiều luyến tiếc. Người ta thậm chí thay thế từ "tạm biệt" bằng "hẹn gặp lại" để xoa dịu đi trải nghiệm khó khăn đó. Dù việc gặp lại này là không bao giờ chắc chắn, thậm chí không thể gặp lại một lần nào nữa.
Vì sao mỗi người cảm thấy khó khăn khi tạm biệt, khi chia tay một ai đó mà họ yêu quý? Vì họ đồng hóa mình vào thân thể này, và với họ, cuộc gặp gỡ trực tiếp quan trọng vì đó là dịp cho họ cảm nhận rõ về tự thân. Và cũng vì con người đồng hóa mình vào những tư tưởng và xúc cảm nên họ muốn được thỏa mãn những yếu tố về suy nghĩ và cảm xúc đó. Khi sự kết thúc mối quan hệ với ai đó mà họ còn yêu, còn thương, có một nỗi sợ về việc không được thỏa mãn về mặt tình cảm lẫn thể xác đó đang diễn ra trong họ. Rồi thế, họ đau khổ.
Phần lớn nỗi đau khổ là do con người mải dính mắc vào những suy nghĩ và cảm xúc của mình. Và trong những lúc này, họ cho rằng những suy nghĩ và cảm xúc đó là vô cùng quan trọng. Họ quan trọng hóa vấn đề lên.
Khi chia xa một người mà bạn yêu, nỗi buồn là một điều hiển nhiên, nhưng nếu bạn không nhận diện nỗi buồn mà tạo ra một vở kịch mà trong đó bạn làm nạn nhân, thì nỗi buồn sẽ kéo dài dai dẳng. Nhưng nếu bạn đón nhận rằng trong bất cứ duyên nào đến cũng đi, bất cứ hình tướng nào có mặt cũng sẽ biến mất, giờ đây, bạn rơi vào một khoảng lặng trong tâm hồn, nơi không có hình tướng, không có nhân duyên, mà chỉ đơn thuần là một sự sâu lắng bình thản.
Khi thực tập đón nhận ai đó đến và đi trong cuộc sống, bạn sẽ dần phát hiện có một khoảng lặng sâu sắc thậm chí là sống động ở bên trong. Bạn như dòng nước, tương giao với những sự vật trên con đường "chảy", nói "xin chào" đồng thời cũng "tạm biệt" cùng một lúc. Dòng chảy ấy chẳng bao giờ trách móc hay than phiền.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.