mục tiêu
Trong cuộc phỏng vấn nọ, người họa sĩ trả lời: "Một dự án nghệ thuật cần có mục tiêu, một tư tưởng đạt tới, nếu không, anh sẽ dễ hoang mang, nhột chí và bỏ cuộc." Mục tiêu như một điểm nương tựa, một cái phao để người ta bấu víu vào trong lúc nguy nan, và để cho người ta được thấy an toàn. Tôi thấy đây là một câu trả lời hay, vì nó nói lên được thói quen tư tưởng của con người dương gian. Là luôn cần một mục tiêu, một ước mơ, một đích đến, để họ có một lý do để nỗ lực, để sống, để tồn tại...
Và rồi đến một ngày, khi tôi ngồi trước một người chơi đàn guitar, một kẻ thiền hành đã hàng chục năm nay với mục tiêu để đến: "Em tự hỏi chính mình tại sao con người lại phải cần một mục tiêu. Em biết nó tốt chứ. Nhưng cũng vì mục tiêu mà họ luôn ở trong những cặp nhị nguyên đối kháng, giữa thành-bại, được-mất, hơn-thua... không dứt ra được. Một mục tiêu để đến, như một điểm nương tựa, nếu không có nó, con người sẽ thấy chán chường, sẽ mất động lực phấn đấu, sẽ chơi vơi, lạc lõng... và cảm giác như mọi thứ trôi qua thật lãng phí.
Mục tiêu của những người làm cha làm mẹ là làm sao để con cái mình thành người, có công ăn việc làm, cưới vợ, lấy chồng, sinh con, có cháu bồng bế. Mục tiêu của người trẻ phần lớn là thành công, sự nghiệp thăng tiến. Đó đều là những mục tiêu tốt đẹp cả. Và tôi chưa bao giờ thấy phải phê phán, ngay cả chính mình nhiều khi cũng thấy bản thân trong những mục tiêu như vậy. Nhưng đó chỉ là những mục tiêu tương đối, tương đối quan trọng. Nếu có một mục tiêu đặc biệt quan trọng, tuyệt đối, là nhận ra được bản chất thật sự của mình. Không gói gọn trong sự hạn hẹp của một kiếp sống ngắn ngủi là phải đạt cái này, cái kia. Tự dưng, khi ngộ ra được điều đó, tâm hồn mình rộng mở và phơi phới hẳn. Dù mình đang ở trong hoàn cảnh nào, mình đều thấy thanh thản. Vì không có một mục tiêu tương đối, một mục tiêu ngắn ngủn và phù phiếm để giật lấy. Vì sao tôi gọi là phù phiếm? Vì chúng chỉ là sự đạt được trong ảo tưởng, nhưng về cơ bản, chúng ta đều không thể đạt được bất cứ điều gì. Những gì chúng ta nhận ra, nhận thấy được sự thật đằng sau, sẽ đưa ta trở về cái không đạt nhưng lại rộng lớn, rộng lớn rất nhiều và cho đến bất tận.
Hiện tại, tôi cũng không có bất cứ một mục tiêu nào. Không có một điều gì để đạt đến. Với nhiều người, điều này sẽ thi thoảng dẫn đến cực đoan chán nản và mất động sống. Nhưng chính điều này xảy đến là để cho mình thấy, thực ra "có mục tiêu" xuất phát từ việc sợ mất động lực sống mà thôi. Loài vật làm gì có mục tiêu sống? Chúng chỉ sống. Nhưng con người cần mục tiêu sống vì trong họ bị lấp đầy bởi nỗi sợ. Nỗi sợ không có gì đảm bảo cho cuộc sống. Phần lớn các tư tưởng, trong đó bao gồm tư tưởng mục tiêu, đều bắt nguồn từ nỗi sợ. Và khi bạn thấy mình không có một mục tiêu nào, bạn sẽ nhận ra nỗi sợ ẩn nấp sau đó, và thế, bạn lại muốn có một mục tiêu, muốn có một cái gì đó để đảm bảo. Điều thú vị của việc khi không có một mục tiêu nào là cơ hội để thấy ra được bản chất đằng sau đó. Thực ra, chúng ta không cần một mục tiêu để tồn tại. Không cần vẽ ra một đích đến để đặt chân tới, mà mọi thứ đã đang sẵn có ở đây, sự bất tận và tĩnh lặng bên trong, ẩn rất sâu và dưới những tầng suy nghĩ bộn bề và vô cùng nông cạn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.