lý trí và cảm xúc
Nhiều người nghĩ rằng nếu tình yêu không có cảm xúc, chỉ toàn lý trí, thì đâu còn là tình yêu nữa. Sự lãng mạn không thể xảy ra theo cách ấy. Tuy nhiên, nhiều tình yêu lãng mạn bị mắc kẹt vào cảm xúc đến nỗi trở nên đau khổ. Còn tình yêu bị mắc kẹt vào lý trí thì chỉ toàn toan tính và khô khan. Vậy phải chăng, để yêu đương vừa có ngọt ngào vừa lành mạnh thì mỗi người cần cân bằng cảm xúc và lý trí?
Yêu không phải là sự đồng hóa và cảm xúc và lý trí
Khi rơi vào lưới tình, những cảm xúc thăng hoa, muốn yêu và muốn được yêu bên trong ta dâng lên đến độ cao trào. Và theo khuynh hướng bản năng, chúng ta luôn muốn mình được thỏa mãn trong thứ cảm xúc ngọt ngào và say đắm đó. Điều này vô tình khiến ta bị lạc vào những cảm xúc này và bị chúng điều khiển. Khi đối phương trao cho ta những nụ hôn, những cái ôm, những món quà, những chuyến đi, hay những chia sẻ và lắng nghe đồng điệu, ta dường như bị chìm đắm trong cảm xúc thỏa mãn đó. Nhưng rồi, khi người kia lộ ra những thói quen cư xử không còn đẹp, như một cú xoay 180 độ, những cảm xúc "thiên đường" bên trong ta bỗng sụp đổ và đổi lại, là sự tức giận, ghen tuông... có khi đến điên cuồng. Điều này diễn ra vì trong mối quan hệ đó, ta đã để cho mình bị đồng hóa vào những cảm xúc biến thiên. Lúc vui, lúc buồn, ta như bị chìm đắm trong đó. Điều này dẫn đến việc càng yêu càng không tránh khỏi cảm giác bị mệt mỏi và chán nản.
Ngược lại, khi ta đến với một người bằng lý trí, tức là những mô típ suy nghĩ, tư duy của mình, thì thoạt đầu, ta có thể thấy đối phương đồng điệu với mình. Lý trí bảo ta có thể chấp nhận để chia sẻ với họ về mặt tinh thần lẫn thể xác. Nhưng sau một thời gian chia sẻ, những cung bậc tốt-xấu bên trong người kia dần lộ diện khiến cho những ý nghĩ ban đầu của bạn về họ bị sụp đổ. Bạn bắt đầu có những toan tính được-hơn với đối phương, và chính những suy tư "bon chen" và đầy toan tính này khiến cho mối quan hệ trở nên ngột thở. Dần dà, với mô-tip tư duy đầy tính toán này, người kia lẫn bạn đều cảm thấy mỏi mệt và muốn kết thúc mối quan hệ.
Cảm xúc và lý trí (suy tư) đều là hai yếu tố không thể tránh khỏi khi bước vào một mối quan hệ yêu đương. Không có cảm xúc, ta trở thành người vô cảm. Không có suy nghĩ, chúng ta có thể giống như cái cây, ngọn cỏ. Nhưng khi đồng hóa vào cảm xúc và suy nghĩ, ta bỗng đánh mất chính mình vì ta bị mải cuốn vào những cảm xúc nhất thời, hoặc bị dính mắc vào một kiểu suy tư, phán xét nào đó. Lúc này, chắc chắn mối quan hệ mà ta bước vào hẳn nhiên không còn lành mạnh. Vì sự lành mạnh vốn xuất phát từ nội tâm mỗi người. Khi một người bị mắc kẹt vào cạm bẫy cảm xúc và lý trí, thì sẽ tạo ra một dòng năng lượng tiêu cực cho chính họ và người kia.
Hãy luôn biết lắng tâm mình
Chúng ta không cần từ chối và gạt bỏ cảm xúc lẫn suy nghĩ khi yêu, mà hãy biết lặng ngắm chúng để không vô tình trở thành "tay sai" của chúng. Khi đó, ta có thể dễ dàng tận hưởng những khoảnh khắc ngọt ngào bên nhau mà không bị quá đắm chìm; và cũng không vì mải miết chạy đuổi một suy nghĩ cực đoan mà nới rộng khoảng cách tâm hồn của cả hai.
Yêu đương thúc đẩy dòng cảm xúc và suy nghĩ cực mạnh, mà trong đó bao hàm những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. Đó là khối cảm xúc và suy nghĩ đã bị khuất ẩn rất sâu bên trong tiềm thức của mỗi người, hay còn gọi là khối đau khổ. Vì thế, trong mối quan hệ yêu đương, tác giả Eckhart Tolle nói rằng đó là hai khối phiền não (pain-body) gặp gỡ nhau. Hai khối phiền não này chạm trán nhau và gây ra những tan vỡ tinh thần lẫn thể xác không cần thiết. Nhưng nếu cả hai người đều ý thức rõ khối đau bên trong họ, họ sẽ không để cho những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực làm tổn hại chính mình và đối phương. Cách khôn ngoan nhất là có thể kiên nhẫn và lắng nghe tâm mình trong bất cứ khi nào, đặc biệt là khi ở gần cạnh người mà ta yêu thương.
Thực tập bằng cách lắng nghe chính mình và đối phương nhiều hơn
Nhiều mối quan hệ yêu đương giờ đây bị mắc kẹt vào ngôn ngữ, và xem chia sẻ ngôn từ như một cách để thỏa mãn bản ngã. Nhưng bằng cách chia sẻ bằng ngôn từ quá nhiều, họ bị mắc kẹt trong cảm giác muốn được thỏa mãn và thể hiện, mà quên mất lắng nghe chính mình và người bạn đời của mình.
Vì thế, điều tuyệt vời nhất là cả hai có thể dành ra những khoảng lặng cùng nhau. Cùng dạo biển, cùng ngồi bên nhau... trong thinh lặng. Sự thinh lặng ấy không nên là việc cố gắng tạo ra, mà hãy để nó diễn ra một cách tự nhiên và lặng lẽ. Lúc này, bạn có cơ hội lắng nghe chính mình, và hòa vào "không gian tâm" của người kia. Cho đến khi cảm giác như hai mà một. Sự chia sẻ không cần lời nói nhưng vốn vô cùng hiệu quả, vì đó là lúc cả hai ý thức rõ về chính mình để không bị cuốn vào những mô típ cảm xúc và suy nghĩ cũ kỹ.
Bài đã đăng lên L'Officiel
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.