hạnh phúc không cần một điểm tựa
Một vị thầy nào đó đã từng nhắn học trò: "Nếu con muốn một điểm dựa, con sẽ lung lay theo điểm dựa đó. Khi con không cần một điểm dựa, con sẽ tự khắc nhận ra sự vững chãi từ bên trong con vốn đã đủ đầy." Hạnh phúc đích thực cũng vậy, là không cần một điểm nương tựa bên ngoài.
Chúng ta sinh ra trong một xã hội mà gần như những con người trong đó đều cho rằng phải cần một điểm tựa nào đó thì mới vững vàng. Có người cho rằng đó là gia đình, có người tin rằng đó là bạn bè, có người lại phản biện đó chỉ có thể là sự nghiệp... Và thế, họ luôn cố găng xây dựng một điểm tựa vững chắc, để những lúc thăng trầm có thể vịn vào như bến cảng tránh gió tránh bão. Nhưng ta thấy, những người dựa vào gia đình thì cũng sẽ có lúc đối mặt chuyện không vui nơi gia đình. Và khi gia đình gặp chuyện chẳng lành, niềm đau trong họ cũng trở nên xót xa. Hạnh phúc thuở nào bỗng hóa phiền não.
Khi nương nào một điểm tựa, hạnh phúc vốn là khổ đau
Hạnh phúc thế gian thường là niềm cảm xúc quá đỗi mỏng manh. Cách đây 2.600 năm trước, Đức Phật đã từng chia sẻ điều này, rằng bất cứ ai còn dính mắc, thì vẫn còn phiền não. Cũng vậy, khi niềm hạnh phúc bên trong bạn phụ thuộc vào những yếu tố như sự nghiệp, gia đình, bạn bè, tiền bạc... thì bất cứ lúc nào, bạn cũng dễ gặp phải những muộn phiền bởi những yếu tố thuộc về hình tướng lúc nào cũng đổi thay, và không thể theo ý muốn chủ quan bên trong bạn.
Có người tin rằng tìm thấy nửa kia thì mình sẽ trở nên hạnh phúc. Nhưng bạn sẽ thấy dường như không một ai lại không đối đầu với đau khổ trong yêu đương. Vì khi yêu, họ "mong muốn" đối phương phải thỏa mãn cảm xúc bên trong mình, phải làm mình thăng hoa và vui vẻ. Nhưng nửa kia cũng sẽ có lúc chẳng thể chiều suy nghĩ hay ham muốn bên trong bạn. Và khi bạn không được chiều chuộng, những muộn phiền, lo toan, ghen tuông... bắt đầu bao chiếm lấy bạn và khiến bạn trở nên mất thăng bằng.
Điểm tựa bên ngoài luôn bấp bênh. Suy nghĩ nương tựa lại đầy rẫy những mong cầu được thỏa mãn và sở hữu. Vì thế, bất cứ ai còn nương tựa thì hãy còn dao động.
Chúng ta thấy rằng ngay cả những người dù đã ở trên đỉnh thành công và giàu có về mọi mặt, có thể nói, họ gần như không còn thiếu bất cứ một điều gì nữa, nhưng trong đời sống hàng ngày, họ vẫn thường ở trong một cảm xúc không được thỏa mãn. Họ vẫn ở trong một nỗi phiền muộn nào đó khó có thể lý giải. Đơn giản vì những ẩn ức bên trong họ vẫn thôi thúc họ phải làm điều gì đó để chúng cảm thấy được thỏa mãn. Những suy nghĩ hướng ra bên ngoài quá mạnh nên họ dễ bị cuốn vào khối suy tư sâu dày này. Họ ở đây, bây giờ, nhưng những nghĩ suy lại muốn họ ở một điểm nào đó, trong một thời điểm nào đó khác. Vì thế, họ sẽ dễ trải nghiệm cảm giác căng thăng do không thực sự có mặt với thực tại.
"Đạt được điều gì đó" chỉ là một ý niệm
Điều khiến chúng ta lỡ mất hạnh phúc thực tại là vì chúng ta bám vào một ý niệm nào đó. Chúng ta muốn có sự nghiệp, có tài chính, có người yêu, có gia đình hạnh phúc... Và vì bám vào những ý nghĩ đó nên mỗi lần đối diện với thực tại đời sống, chúng ta khó có thể vui vẻ và đủ đầy. Bởi bản chất của suy nghĩ là tham lam. Khi nhìn vào mọi thứ, nó đều cảm thấy thiếu. Nó luôn cố gắng để lấp đầy. Bởi vậy mà ta dễ ở trong tình trạng áp lực, và khó mà tận hưởng niềm hạnh phúc dài lâu.
Một người bạn của tôi, ở đỉnh cao sự nghiệp kiến trúc với đầy đủ vật chất, nói rằng: "Anh không thực sự sở hữu điều gì. 'Sở hữu' thực ra chỉ là một ý nghĩ mà mình bám lấy. Anh thậm chí còn chẳng thể sở hữu thân xác này. Anh không thể nào kiểm soát hay lãnh đạo nó. Càng cố gắng kiểm soát nó, anh càng khổ." Thật vậy! "Tôi sở hữu một ngôi nhà" là một ý nghĩ. Và chúng ta đang nắm giữ ý nghĩ đó. Đó là lý do vì sao chúng ta phiền não ngay khi ngôi nhà ấy không còn ở đó nữa cho ta.
Những người thân mà chúng ta yêu thương cũng vậy, một khi ta dính mắc vào ý niệm "họ là của mình" thì chúng ta sẽ khó lòng thăng bằng khi họ ra đi hay họ đối xử tệ với chúng ta... Nhưng nếu ta vẫn biết họ là cha mẹ mình, nhưng không dính mắc hay nắm giữ ý niệm đó, thì khi trở về, ta luôn ở trong tâm thế đón nhận họ như họ là. Niềm hạnh phúc bên trong ta sẽ luôn ở đó mà không bị xáo trộn bằng sự phiền não.
Hạnh phúc không cần một điểm tựa
Có những người vì không ăn được món họ thích mà cảm thấy phiền não. Họ dính mắc vào ý nghĩ phải có món ăn đó. Nhưng có người được ăn đủ no đã là một niềm biết ơn và niềm vui lớn đối với họ. Vậy thì hạnh phúc nằm ở chỗ ta có thực sự đón nhận những gì đang xảy đến với mình.
Một thực tập quan trọng để ta cảm nhận hạnh phúc vốn đủ đầy từ bên trong là có mặt với phút giây hiện tại. Vì hiện tại là điều duy nhất mà tất cả chúng ta đều có, như nhau, một cách bình đẳng. Còn quá khứ và tương lai chỉ nằm trong "ý niệm" hay suy nghĩ. Bất cứ ai bám vào ý nghĩ về quá khứ đều muộn phiền. Còn ai ai bám vào ý nghĩ về những gì xảy đến trong tương lai đều lo lắng và sợ hãi. Nhưng những ý nghĩ thực ra không thật sự cần thiết. Và khi biết tính không thiết thực của những ý nghĩ này, ta sẽ đưa sự chú tâm trở về hiện tại và trọn vẹn với những điều đang xảy ra. Ngay tức khắc, một khoảng không gian bình thản mở ra bên trong ta. Đó chính là niềm hạnh phúc vốn không cần một điểm tựa nào.
Hạnh phúc từ bên trong không có nghĩa là ta bác bỏ mọi thứ bên ngoài như gia đình, sự nghiệp, bạn bè... Mà khi chạm vào khoảng tĩnh này, ta sẽ có khả năng tỉnh táo và chậm rãi hơn trong bất cứ một mối quan hệ nào. Ta không còn đến với mọi người theo cách để thỏa mãn cảm xúc bên trong ta, hay đòi hỏi họ phải chiều chuộng ta. Ta cũng không còn vô thức phóng chiếu những ý nghĩ hay cảm xúc tiêu cực lên họ. Thay vì đó, khoảng tĩnh và phúc lành bên trong ta sẽ kích hoạt khoảng nhận biết tương tự bên trong đối phương. Từ đó mối quan hệ như gia đình, bạn bè, yêu đương... cũng được chuyển hóa trong niềm hạnh phúc không cần một điểm tựa như vậy.
Bài đã đăng lên L'Officiel
Ảnh: Chasing tea
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.