không còn gì để đạt đến nữa
1/ Vì sao người sống trong hiện tại lại đơn giản? Vì từ sự nhận biết bên trong họ sẽ nhận ra điều gì là cần thiết, điều gì là không cần thiết. Suy nghĩ là thứ không thể biết điều gì là thiết yếu với bạn, vì nó chỉ muốn thỏa mãn chính nó mà thôi.
Trong sự hiện diện, những dính mắc bên trong bạn đều tan rã. Đó là quá trình cho sự nhận biết bắt đầu trở về sự trọn vẹn. Sự nhận biết đã hoàn hảo. Chỉ là những dính mắc che mờ nó. Trong quá khứ, rất nhiều những khối suy nghĩ và đau khổ bên trong tôi sụp đổ. Trước đây sự mơ mộng bên trong tôi quá mạnh. Nhiều ảo tưởng và tưởng tượng. Nhưng sau đó, trải qua một số biến cố rất bất ngờ, những ảo tưởng bị dập tắt một cách nghiệt ngã trong nhận biết. Khi mọi ảo mộng tan biến đi, "của tôi" cũng tan biến đi. Chỉ còn lại khoảng không gian tĩnh lặng.
Cách đây một thời gian rất lâu, một người phụ nữ nọ từng tiếp cận tôi và xem thần số học. Bà ta bảo: "Quá mơ mộng, cũng phải có lúc chạm mặt đất đi chứ!" Sự mơ mộng nghĩa là gì? Đó là men theo những tưởng tượng, huyễn hoặc. Đó là suy nghĩ. Suy nghĩ thêu dệt nên những câu chuyện. Câu chuyện của suy nghĩ thì không phải là thực tế. Những điều mà người phụ nữ đó nói không chỉ ra bản chất của tôi. Nhưng bà ta đã đúng vì đã chỉ ra được những dính mắc mà tôi bám lấy.
Sau đó, vì những thử thách ập ới ở độ tuổi còn quá trẻ, nên sự nhận biết bên trong tôi bắt đầu nhận ra tính hai mặt của cuộc sống. Những ảo mộng bắt đầu tự dập tắt vì khi thử thách đến, không còn cách nào khác ngoài việc tôi phải đối diện với chúng, và đối diện với những hỗn loạn bên trong mình. Ảo mộng là gì? Là khi mình bám vào những suy tưởng. Còn thực tế là gì? Đó là những gì đang diễn ra trong hiện thực. Nó không như ảo mộng mà suy tư vẽ vời. Nhận ra đó khởi đầu cho một quá trình thức tỉnh rất nhanh nhưng rất đau đớn. Khi trong nỗi đau tột cùng, sự thức tỉnh bên trong bạn rất mạnh. Vì nỗi đau tột cùng có nghĩa là những khối dính mắc sâu dày đều bị tan ra trong sự hiện diện đó. Đấy là lý do vì sao, dù rất hiếm hoi, nhưng chúng ta đều thấy những người thức tỉnh thực sự đều từng rất đau khổ và từng ngập đầy những ảo tưởng, những kiểm soát.
Ai rồi cũng sẽ thức tỉnh, và thậm chí đang thức tỉnh. Vì đó là bản chất của họ. Và vì thức tỉnh là bản chất của vũ trụ, nên sự thức tỉnh đó là chung cho tất cả chúng ta. Nó không phải là một thành tựu, không phải là một thành công, không phải là một điều để đạt đến, không phải là mục tiêu để cố gắng mỗi ngày.
2/
Khi dự định làm gì đó, nhiều người vẫn băn khoăn liệu đây là suy nghĩ tham muốn làm, hay là nhận biết bên trong thôi thúc mình làm. Thế là, họ lại rơi vào vòng luẩn quẩn của suy nghĩ nên hay không nên, và suy nghĩ vẽ vời ra rất nhiều tình huống khác nhau, về cái được khi làm, cái mất khi làm, năng lực của mình có thể làm không... Điều này tạo ra sự giằng co và xung đột rất mạnh từ bên trong. Trong nhiều trường hợp, Trang đơn giản nói rằng muốn gì thì cứ làm nấy đi, rồi sẽ học ra được bài học. Còn ở trong những suy nghĩ luẩn quẩn thì lần sau, khi muốn làm cái gì đó khác, lại cứ suy nghĩ cũ lặp lại. Đó chính là luân hồi. Khi trọn vẹn với những điều mà mình làm, thì ít ra bạn cũng sẽ trau dồi được rất nhiều thứ: sự chú tâm, nhẫn nại, thấu hiểu cho người xung quanh, lắng nghe... Còn khi cứ băn khoăn có nên làm hay không nên làm, bạn bị cuốn đi vào những ảo tưởng. Cuối cùng vẫn chưa thực sự sống trong hiện tại.
Không ít người quá đặt nặng việc quay về bên trong, đặt nặng sự nhận biết nên khi muốn làm cái gì đó, họ lại rơi vào nỗi sợ ngấm ngầm không biết việc này có phải do suy nghĩ thôi thúc mình làm không. Và thế, khi đặt câu hỏi đó, thực ra là họ lại tiếp tục bị suy nghĩ cuốn đi. Sự nhận biết thì quá đơn giản, nhưng thói quen suy nghĩ bên trong ta thì quá phức tạp.
Có người lại sợ mình rơi vào nhân quả, nên mỗi lần suy nghĩ nhủ làm việc gì đó thì họ lại thụt lùi lại. Họ cố gắng kiểm soát. Họ ghét suy nghĩ. Và họ không nhận ra rằng có một suy nghĩ "ghét" khởi lên với những suy nghĩ còn lại. Trong các trường hợp này, Trang đơn giản nhắn họ là có mặt với những gì đang diễn ra, kể cả suy nghĩ. Suy nghĩ khởi lên không đáng ngại, mà do chúng ta khởi lên những suy nghĩ chèn ép nó mới là đáng ngại. Đơn giản có mặt, một cách thả lỏng. Hãy thong dong, tự tại với những gì diễn ra bên trong.
Nhận biết không phải là một sự luyện tập hay nỗ lực. Khi bạn nhận ra điều này, bạn sẽ thấy mình không có gì để mất, để được, để hơn hay để thua. Bạn nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhưng nếu bạn vẫn cho rằng nhận biết là cái gì đó để mình thành tựu thì khi sống sẽ rất mệt mỏi và phức tạp.
Có một buổi sáng nọ, Trang nhận ra không còn gì để đạt đến nữa, không có một mục tiêu nào nữa cả, không còn một động cơ sau mọi việc, tự dưng mình rơi vào một khoảng tĩnh lặng rộng lớn.
Đây không phải là một điều gì bí ẩn, sự thật không hề bí ẩn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.