một người thầy tâm linh
Một người thầy không nên là người đi thỏa mãn suy nghĩ của học trò, và cũng không nên là người thỏa mãn sự tìm kiếm nơi họ. Khi thỏa mãn suy nghĩ của người khác, bạn sẽ vô tình tạo ra một thế hệ đi theo (followers). Khi kích hoạt sự nhận biết nơi người khác, họ trở nên tự do. Còn bạn thì đã ở trong sự tự do đó.
Tôi không định nghĩa mình là một người như thế nào. Thi thoảng, tôi có chia sẻ về sự nhận biết. Hay chính xác hơn là sự nhận biết bên trong tôi "bộc lộ" thành ngôn từ. Tôi cảm nhận được một số người đã sẵn sàng, và một số thì chưa. Nhưng với những người chưa sẵn sàng, tôi không cố ý để làm hài lòng họ bằng cách cho họ những giải pháp hay trao cho họ những lời chia sẻ khác ngoài nhận biết. Họ đến với một mục đích thì họ sẽ ra đi vì một mục đích. Điều đó không khiến tôi quan ngại hay bận lòng. Một lúc nào đó họ sẽ sẵn sàng, còn bây giờ thì có thể chưa.
Là một người thầy tâm linh, bạn cần chỉ được ra những dính mắc bên trong người khác, và toàn tập thể loài người theo một cách thẳng thắn, chân thành và đôi khi là hài hước. Vì chúng ta không nên làm nghiêm trọng hóa mọi thứ, vì "nghiêm trọng hóa mọi thứ" thường là thói quen của suy nghĩ. Sự nhận biết luôn mềm mại, uyển chuyển và có trong đó sự tươi vui.
Sự nhận biết luôn nhìn được hoàn cảnh đó để có thể bộc lộ một cách đúng đắn. Một bậc thầy tâm linh không cần gì nhiều, ngoài việc ở sâu trong sự nhận biết đó và đơn giản để sự nhận biết dẫn đường. Lúc này, họ sẽ không còn có thể bắt chước ai. Họ có thể sáng tạo ra một số từ mới, những câu chuyện mới, cách diễn đạt mới gần gũi hơn với những người nghe. Họ không cần phải ghi nhớ bất cứ cuốn kinh nào, hay bất cứ một hệ thống tư tưởng nào xa xôi để làm ví dụ. Hãy lấy thực tại làm ví dụ. Thực tại luôn mới mẻ. Vì thế, hòa vào thực tại thì luôn là những ví dụ đơn giản nhất, mộc mạc nhất, và chạm vào người khác nhất.
Chúng ta thấy rất nhiều những người thầy ngày nay luôn cố gắng để học sinh của họ hài lòng. Hoặc là tạo ra những áp đặt tư tưởng lên học sinh. Một nền giáo dục của sự răn dạy phải làm cái này, phải làm cái kia. Điều đó tạo ra sự phân biệt và định kiến rất lớn mạnh trong xã hội. Sự nhận biết thì không được chia sẻ trong nền giáo dục chính thống. Vì thế, khi chia sẻ sự nhận biết ở bên ngoài, khi con người đã bám vào quá nhiều dính mắc, không phải là một điều dễ dàng cho tiếp thu. Vì cơ chế suy nghĩ bên trong họ vẫn đòi hỏi sự thỏa mãn, đòi hỏi phương pháp, vẫn tìm kiếm, vẫn mong cầu... Khả năng nhận biết hay tĩnh lại, chậm lại với những gì diễn ra bên trong đôi khi chỉ còn là những khoảnh khắc rất mong manh.
Một người thầy phải thực sự sống và sống trong nhận biết mới có thể góp phần kích hoạt sự nhận biết và sự tự do bên trong người khác. Lúc này, anh ta không còn là thầy nữa, không còn bám vào khái niệm "mình là thầy". Anh ta là sự nhận biết.
Khi dính mắc vào quá nhiều suy nghĩ, chúng ta chỉ đang cố gắng để người khác "follow" tư tưởng hay hình mẫu mà chúng ta đang cố tạo ra. Nhưng nhận biết thì vượt lên khỏi những khái niệm, những đóng khuôn đó. Nó khác biệt sẵn, chứ không phải là từ suy nghĩ tạo ra khác biệt.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.