thiên nhiên là bậc thầy tĩnh lặng

Người thầy vĩ đại nhất dạy tôi về sự tĩnh lặng chính là thiên nhiên.

Hơn bất cứ thời đại nào, ngày nay con người tiếp cận những thông tin về tinh thần đặc biệt rộng khắp. Những bậc thầy, guru, thiền sư, nhà tu, nhà tâm lý, nhà chữa lành... có mặt khắp mọi nơi để chúng ta có thể chuyện trò và gỡ rỗi cho những khúc mắc bên trong mình. Nhưng bạn có thấy, khi nghe con người chia sẻ về tâm linh, chúng ta thường bị mắc kẹt vào ngôn từ, vào những ý niệm về tỉnh thức, chữa lành. Điều đó khiến sự rao giảng thì rộng khắp, con người có thể hiểu một cách lý trí về tĩnh lặng, nhưng khoảng không gian mà họ thực sự trải nghiệm vẫn là những rối rắm suy nghĩ chứ không phải là trạng thái rỗng lặng hoàn toàn. 

Bậc thầy kích hoạt cho tôi về sự tĩnh lặng thường không phải là những con người xung quanh, nơi phần lớn họ đều mắc kẹt vào những định nghĩa và suy tư riêng. Tiếng ồn bên trong tâm trí con người quá khủng khiếp, và điều đó có nguy cơ lôi cuốn những ồn ã còn đang ẩn chứa bên trong ta. Nhưng thiên nhiên thì khác. Thiên nhiên, bằng cách nào đó, là người thầy lớn của tôi, dạy tôi cảm nhận như thế nào là tĩnh lặng thật sự. Khoảng tĩnh lặng vượt ra khỏi ngôn từ. 

Ngồi im nghe gió hát

Phần lớn con người được giáo dục để học và làm việc, để tạo ra những ảnh hưởng nào đó lên xã hội. Nhưng bằng cách ấy, chúng ta dần bỏ lỡ những điều giản dị mà sâu sắc bên trong và bên ngoài mình. Những gì mà chúng ta thấy đều bị che lấp, đều bị làm lu mờ bởi những ý niệm và suy tư mà ta đang nắm giữ. Để khi ta nhìn một cái cây, một con thú, một con người, ta đều bị mắc kẹt trong những đánh giá và thông tin riêng. Và khi tâm trí bị lấp đầy bởi những dữ liệu, những phê phán, tinh thần chúng ta dần trở nên chật chội và tắc nghẽn. Phần lớn những người phiền não là vì trước đó họ đã ghì ép chính mình vào một khuôn mẫu tư duy hay niềm tin thâm căn cố đế nào đó. Cho đến khi thực tại thay đổi, thì họ hoàn toàn ngơ ngác và sụp đổ trước hiện thực này. 

Thực tại không làm chúng ta chao đảo, mà những niềm tin hay suy nghĩ mà chúng ta bám lấy khiến ta không nhận ra sự biến đổi vốn là bản chất của vạn sự. 

Khi phát hiện những ý nghĩ bên trong khó lòng khiến mình thanh thản, thậm chí còn khiến mình rơi vào những xung đột và mâu thuẫn liên tục, tôi nghiêm túc nhìn nhận lại tất cả mọi điều đã trôi qua, rồi thấy rằng lý do cho phiền muộn là mình không theo dòng chảy tự nhiên. Điều này khiến bên trong rơi vào những hỗn loạn. 

Khi ngồi trong gió, giữa một cánh rừng già, tôi lắng lòng mình hoàn toàn. Trong tiếng hát của thiên nhiên, trong sự rung chuyển của lá, của đất trời, là một khoảng không gian đặc biệt tĩnh tại và thanh bình. Thanh âm ấy không phải là cái ồn ã của tâm trí, mà mang trong bình sự dịu dàng và trong lành. Điều đó bỗng kích hoạt khoảng tĩnh ẩn sâu bên trong tôi. Và tôi chợt nhận ra rằng khoảng tĩnh ấy vốn đã sẵn có trong mình, chỉ là bị che mờ bởi những ý niệm, những suy nghĩ mà mình cứ cố chấp bám lấy. 

"Không ngại điều gì xảy ra"

Nếu có khả năng nói, thiên nhiên sẽ thẳng thắn với bạn một điều rằng nó không ngại bất cứ điều gì xảy ra. Nhưng vì mải bám vào bao lo nghĩ về những điều có thể xảy ra, về được-mất, về thành-bại... mà chúng ta bị chi phối bởi nỗi sợ ngấm ngầm. Nỗi sợ này thôi thúc chúng ta sống và làm việc trong ganh đua và ghen ghét. 

Nhìn ra được tính ung dung giữa biến thiên đất trời này của thiên nhiên, tôi cho phép mọi khoảnh khắc đang xảy đến với mình được diễn ra một cách tự nhiên mà không rơi vào bất cứ phản ứng chống đối hay lo lắng nào. Như cành lá cây múa nhảy trong gió, ánh lên trong ánh mặt trời, hay nhẫn nại trong bão táp, thì tinh thần chúng ta vốn đều có thể linh hoạt và uyển chuyển như vậy. Trong sự đón nhận, là sự tận hưởng. 

Có người nói với tôi: "Có phải quá vô tư và vô cảm không, khi nào còn bao điều phải giải quyết?" Thực ra, khi lắng sâu vào sự tĩnh lặng bên trong mình, ta luôn ở trạng thái sẵn sàng để bắt đầu với mọi thứ một cách tỉnh táo, điều mà suy tư thường không thể mang lại. Vì suy tư chỉ muốn được đáp ứng điều kiện mà nó khao khát. Và bạn cũng sẽ nhận ra một điều rằng suy tư luôn trong trạng thái do dự và tính toán. Thế nên, khi khó khăn xảy đến, nó thường bàng hoàng, hồi hộp và lo sợ. 

Nhưng trong sự tĩnh lặng, chúng ta không cho rằng đây là vấn đề. Chúng ta không rơi vào trạng thái bấn loạn tâm lý. Như thiên nhiên không bao giờ phải run rẩy hay cho rằng cần chuẩn bị tâm thế trước bão tố. 

Bài đã đăng lên L'Officiel



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.