không ngại thay đổi

Những thay đổi mới trong nhận thức thường khởi sinh sau khi con người ta trải qua phiền não nào đó. Giống như câu nói của Lão Tử: "Những khởi đầu tốt đẹp thường được ngụy trang bằng một cái kết bi thảm."

Khi con sâu đang trong quá trình "hóa thân" thành bướm, nó chỉ "nghĩ" rằng: "Ôi kết thúc rồi! Mình kết thúc thật sự rồi!" Nhưng cái gọi là kết thúc của con sâu lại là mở đầu mới của loài bướm xinh đẹp. Con sâu "ảo tưởng" rằng mình đang chết, nhưng khi thành bướm rồi, nó mới nhận ra rằng khởi đầu mới thật ngoạn mục và tuyệt diệu làm sao. 

Quá trình sâu biến hóa thành bướm là quá trình thay đổi. Nhưng nếu không có sự sẵn sàng hay không có sự chấp nhận cho thay đổi ấy, hẳn nhiên sẽ không có sự lột xác. Con người cũng vậy. Nếu không sẵn sàng vượt ra khỏi vùng an toàn, sẽ không thể đi sâu hơn vào bản chất thật sự của chính mình. 

Nhận biết mới không thể nảy sinh trong vùng an toàn

Có một người phụ nữ U50 tìm đến một bậc thầy tâm linh, và điều duy nhất chị ấy mong muốn là người thầy kia có thể chỉ ra cho chị một con đường thoát khổ. Chị làm trong ngành IT đã gần 20 năm, ở trong môi trường Sài Gòn cũng đã 30 năm. Nhịp sống đó diễn ra từ ngày này qua ngày khác đến nỗi đã trở thành một thói quen bất di bất dịch bên trong chị. Dù chị muốn thay đổi, nhưng nỗi sợ hãi về sự thay đổi vẫn ngấm ngầm bên trong. Khi có động thái thay đổi công việc và chỗ ở, liền có những suy nghĩ sợ hãi khởi sinh, đặt những câu hỏi: "Không có tiền thì làm sao mà thay đổi. Rồi mình sẽ làm việc gì tiếp theo? Mình sẽ đi đâu và về đâu? Liệu có bất trắc gì xảy đến với mình hay không?" Và những lo toan ngấm ngầm ấy ngáng chân bước ngoặt lột xác. 

Và người thầy chỉ đơn giản nói với chị rằng: "Khi nào có sự thay đổi về môi trường và công việc, thì nhận thức mới, sự tự do mới mới có thể đến với chị. Đồng thời, những phiền não như nỗi sợ cũng dập tắt." Phần còn lại là ở quyết chị của người phụ nữ. Ngay cả một bậc thầy cũng không thể làm gì hơn. 

Thật vậy, chúng ta thấy có nhiều người đã quen với một lối sống hay hoàn cảnh sống nào đó đến nỗi bước ra khỏi đó là một nỗi sợ hãi to lớn đối với họ. Xuyên qua nỗi sợ là một trong những bước quan trọng để họ thực sự tự do, nhưng dường như họ vẫn còn chưa sẵn sàng cho sự tự do đó. 

Có những người tự dán nhãn rằng họ sợ bóng đêm, sợ độ cao, sợ một mình... nhưng phần lớn những nỗi sợ đó là nỗi sợ về mặt tâm lý. Tức nỗi sợ đó sinh ra từ sự ảo tưởng và tự lập luận. Nếu sự ảo tưởng và tự lập luận đó biến mất, thì chắc chắn khi ở một mình, khi leo lên độ cao nào đó, khi ở trong bóng đêm, họ có thể hoàn toàn tự do. 

Cẩn thận với những dãn nhãn và những ý niệm trong đầu

Có những người luôn sẵn sàng cho sự lột xác nhưng chúng ta thấy, có người lại chìm đắm trong ý nghĩ về sự an toàn và muốn được đảm bảo, nên sự thay đổi là một điều gì đó hết sức khó khăn đối với họ. 

Có câu chuyện về người phụ nữ liên tục bị chồng bạo hành suốt rất nhiều năm. Từ khi chị vừa mới lấy anh ta, đến khi chị có con và con của họ đến độ tuổi trưởng thành, thì sự bạo hành đó vẫn không ngừng. Và điều đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong mô-típ suy nghĩ của chị về người chồng và về một gia đình. Chị vừa muốn thoát ra khỏi người đàn ông đó, nhưng cũng vừa bị nỗi sợ ngấm ngầm về việc nếu thoát ra thì sẽ có chuyện gì xảy đến. Không ít cá nhân như người phụ nữ kia. Họ dính mắc vào tâm thức nạn nhân đến nỗi "chịu đựng là nạn nhân" trở thành một phần thiết yếu trong tư duy của họ. Nỗi sợ ấy khiến họ không thể buông, không thể thay đổi. 

Như vậy, điều chúng ta có thể làm với họ là gì? Đó là không ép buộc họ thay đổi, nhưng có thể mang đến cho họ sự kích hoạt về thay đổi. Vì sự thay đổi chỉ có thể diễn ra bên trong mỗi người. Cũng giống như sự lột xác từ sâu thành bướm, điều đó chỉ có thể diễn ra khi con sâu sẵn sàng đón nhận sự chuyển hóa đó. Nó hoàn toàn không chống đối lại thôi thúc về thay đổi. 

Chúng ta thấy, những tình huống phiền não là sự kích hoạt cho khởi đầu mới, hay nhận thức mới. Mà trong nhận thức mới ấy, những nỗi sợ, những dán nhãn, những ý niệm mà chúng ta vô thức bám lấy một thời gian dài, nay không còn làm phiền chúng ta nữa.




No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.