nỗi sợ tan biến
Khi bạn phát hiện mình đang làm điều gì đó vì một nỗi sợ, thì việc ngừng làm điều đó một thời gian và trọn vẹn với những ẩn ức bên trong sẽ giúp bạn không bị lệ thuộc vào nỗi sợ đó nữa. Cũng tương tự, khi bạn phát hiện mình không làm điều gì đó vì một nỗi sợ tâm lý, thì sự nhận biết sẽ thôi thúc bạn phải làm điều đó để bạn hoàn toàn thoát ly ra khỏi nỗi sợ. Thực ra, khi nhận thức mới càng khởi sinh bên trong bạn, nghĩa là càng nhiều nỗi sợ được đưa ra ánh sáng.
Nhiều người cố gắng vun đắp tình yêu hay mối quan hệ lứa đôi vì có một nỗi sợ hãi ngấm ngầm về chia tay đang chi phối họ từ bên trong. Khi nhận thức mới nảy sinh, dần dần sẽ có những tình huống xảy đến như: họ chia tay nhau, họ tạm chia xa nhau, hay vẫn bên nhau nhưng không còn nỗ lực để ràng buộc mình và người kia lại với nhau nữa. Và họ nhận ra rằng thứ ràng buộc mình chính là những suy nghĩ và mong chờ mà họ vẫn đang dính mắc.
Chúng ta thấy chính sự nhận biết sẽ thôi thúc hay mang đến những thay đổi mới hay hành động mới. Khi bạn thấy mình làm công việc này vì nỗi sợ hãi nào đó hay đang bị chi phối bởi một động cơ nào đó, thì việc chậm lại, tạm thời nghỉ việc một thời gian, hay nghỉ hẳn việc đó thường là sự kích hoạt để nỗi sợ tự phá vỡ chính nó. Nhưng việc cuốn vào những công việc mới ngay lập tức đôi khi khiến chúng ta khó thông suốt những cơ chế đồng hóa ngấm ngầm đang điều khiển mọi quyết định trong cuộc sống của mình. Chúng ta sẽ thấy những người đồng hóa vào nỗi sợ thường dốc hết mình để luôn trong tình trạng LÀM. Nỗi sợ khiến tâm họ không thể yên. Tâm không yên thì luôn muốn làm gì đó.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.