sống

Suy nghĩ luôn thôi thúc chúng ta hành động, làm việc, và nó tự định nghĩa rằng con người sinh ra là phải lao động. Lao động khiến suy nghĩ nảy sinh lòng tôn trọng với chính hình ảnh cá nhân (mà do nó tạo ra). 

Tôi bước vào nhà bạn chơi. Họ muốn thuê một số người đồng bào dọn cỏ cho khu vườn quá rộng lớn này. Ở đó họ trồng một số loại hoa, dược liệu, cây ăn trái... Nhưng cỏ mọc um tùm. Cỏ mọc là một điều hoàn toàn tự nhiên. Bạn sẽ thấy ở đây, khắp mọi con đường, cỏ tràn ra đường đi. Thậm chí có một cánh đồng cỏ bất tận ở cuối con đường này, cách nhà tôi thuê khoảng 2 km. Đó là một cánh đồng cỏ bát ngát, một điểm đến thực sự mê hoặc, và phía xa xa là những cánh rừng nguyên sinh, núi đồi xếp lớp, và bầu trời vô tận. Nay là mùa mưa, thi thoảng tôi có thấy cầu vồng, trước cơn mưa hoặc sau cơn mưa. Chiều hôm qua, khi đạp xe đến cánh đồng cỏ, sự mênh mông của nó được bao trùm bởi những tiếng chim, tiếng xe chạy từ một khoảng rất rất xa, tiếng gió... Tất cả mọi thanh âm đó toát ra từ tĩnh lặng, trở về tĩnh lặng. Chẳng một ai ở đó, dù nay là chiều Chủ nhật. Không một chiếc xe nào dừng lại. Không một người nào đi qua, cho đến lúc tôi chuẩn bị về thì có một người đàn ông, chắc là người đồng bào, từ xa chạy tới rồi vụt thoắt qua. Chắc là họ vào rẫy, hoặc vào rừng kiếm thức gì đó. 

Người bạn mà tôi kể trên nói rằng anh ngại thuê người đồng bào làm việc, vì từng chứng kiến cảnh họ lười biếng. Cứ làm một chút lại mở điện thoại ra chơi game, thậm chí ngay cả khi mình nhìn chăm chăm vào, thì họ vẫn không có chút nhất cử nhất động nào. Dù vậy, vài ngày sau, tôi vẫn thấy có một số người đồng bào đến nhà anh dọn cỏ, và sau đó, cả khu vườn sạch bóng, chỉ hiện lên những cây dược liệu, cây ăn trái... Một khu vườn tuyệt đẹp. 

"Người đồng bào làm đủ là nghỉ." - Theo lời kể là như vậy. Đối với những người "đam mê" lao động, họ rất ghét những người ham chơi, vô công rồi nghề. Khi tôi ghé một quán cafe, nơi nổi bật với một tòa nhà phố, nom phô trương, người đàn ông nói rằng đầu anh ta luôn nghĩ ra việc để làm, và không làm thì không chịu được. Anh ta liên tục xây dựng, liên tục nghĩ ra ý tưởng mới để làm, với lý do: "Không làm thì lấy gì cho thế hệ con cháu hưởng thụ." Vì thế, anh ta giật nảy người khi nghe tôi nói: "Em đến đây nghỉ ngơi thôi." 

Suy nghĩ cho rằng phải làm thì mới sống. Nhưng sự sống là trạng thái của muôn loài. Sự sống nảy sinh từ sự tĩnh lặng. Nó không nảy sinh từ suy nghĩ phải hành động. Sự sống là động, nhưng nó xuất phát từ tĩnh lặng.  Sống (bao gồm thứ mà chúng ta định nghĩa là "cái chết") là bản năng của hình tướng. Khi bạn mải miết làm việc, nhưng không nhận ra bản chất sự sống này, bạn chỉ đang tự tách mình ra khỏi sức mạnh thực sự của bản thân. Đúng thế, bạn sẽ thấy muôn loài luôn cần đủ. Cỏ cây, động vật... chúng cần đủ. Bản năng sống của chúng xuất phát từ nhu cầu cũng mang tính bản năng. 

Nhưng con người quá sợ hãi, nên suy nghĩ luôn cần thêm, thêm và thêm với ảo tưởng về sự đảm bảo. Họ 'chỉ định' cho bản thân quãng nào là làm việc, và đến quãng nào thì được nghỉ ngơi. Họ không thực sự lắng nghe được nhu cầu sự sống bên trong mình. Bông hoa nở, một sự xuất hiện mang tính hình tướng giữa thế giới hình tướng, nhưng cuối cùng tan ra trong tĩnh lặng. Hình tướng đó chuyển hóa thành không gian mà ta không thể thấy. Chỉ còn lại là sự hiện diện. Hiện diện là trạng thái. 

Trạng thái không làm, mà lại làm tất cả là ở chỗ đó. Ta gọi đó là "effortless living", hay "vô vi" trong ngôn ngữ Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Con người nghĩ bằng ý chí, họ mới có thể sống. Nhưng bằng cách đó, họ không thể nhận ra "effortless" - "không còn nỗ lực, không còn động cơ của ý nghĩ" thì sẽ tạo ra một sức sống với sức mạnh bất tận. Đạo Phật hay dùng nó bằng từ "buông", tức buông những ảo tưởng phải sống như thế nào đó, thì lúc đó, họ mới thực sự sống.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.