chỉ là tương giao
1. Tất cả mọi thứ đều biết trở về nhà (tĩnh lặng). Suy nghĩ cũng vậy, nó tự trở về. Suy nghĩ giống như những con sóng nhấp nhô, và nhà là đại dương. Những con sóng "cố gắng", "nỗ lực" xa nhà bằng cách vươn cao và vươn xa. Nó thậm chí có lúc nổi loạn như những đợt sóng thần để cố chứng minh mình là ai đó, để cho kẻ khác phải sợ hãi hay phải "kính nể" mình. Nhưng mọi sóng thần dù dữ dội đến đâu đều trở về đại dương. Đó là lý do vì sao không có gì phải nảy sinh nỗi sợ. Vì mọi thứ đều trở về nguồn. Đơn thuần là cứ chứng kiến sự trở về đó. Nguồn chứng kiến mọi thứ trở về. Chúng ta là nguồn, là tĩnh lặng. Mọi thứ cứ chuyển động, biến hóa, nhưng luôn tự trở về tĩnh lặng.
2. Nhiều cơ chế ngấm ngầm bị ứ đọng bên trong. Tình trạng tắc nghẽn đó xảy ra vì chúng ta đồng hóa vào nỗi sợ hãi, khiến mình không thể thoát ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng va chạm với những điều kiện mới. Việc mở lòng và tự tạo cho chính mình những điều kiện, cơ hội mới đôi khi rất quan trọng. Khi thực sự va chạm với những thử thách mới, những ẩn khuất hay nỗi sợ bên trong chúng ta tự tiêu tan. Điều này là sự tự do và can đảm sống.
3. Vì duyên hết sức phức tạp, mà người ta thường nói là "trùng trùng duyên khởi", nên mới nhận ra, chỉ có "nhìn mọi thứ như nó là" mới giúp mình cảm nhận thật sự tự do. Những cuộc chơi trong thế giới hình tướng cứ thế diễn tiến, biến hóa khôn lường. Người ta không thấy được đâu là khởi đầu, và đâu là kết thúc của tiến trình duyên. Thế giới hình tướng kích cái tò mò bên trong chúng ta, vì nó thực sự hấp dẫn. Nhưng rồi một lúc nào đó, ta sẽ thấy thế giới ấy rất rộng lớn, rất bao la, tìm hoài tìm mãi thì cũng đầy mỏi mệt. Vì sự tìm kiếm bao giờ cũng xuất phát từ sự mơ hồ. Mỏi mệt khiến ta biết dừng lại. Để cảm nhận bản chất sâu sắc của mình. Lúc dừng lại, sự tỉnh táo mở ra, giúp ta nhìn ra được nguyên lý cho những tìm kiếm đầy mỏi mệt bên trong mình. Đó là lúc, ta sống giữa cuộc chơi nhưng không còn bị chi phối bởi những luật lệ chơi.
4. Thân thể (bao gồm các giác quan thuộc về việc tiếp nhận hình tướng) khi tiếp xúc với các điều kiện (duyên) sẽ nảy sinh ra các cảm giác. Có cảm giác khó chịu hay cảm giác dễ chịu, cảm giác đau hay cảm giác sướng. Nhưng khi đồng hóa vào cảm giác, thì tức là có phản ứng yêu-ghét lên cảm giác. Từ đó sinh ra tham muốn muốn có hoặc không muốn có.
Lấy tình dục là một ví dụ. Tình dục, nếu trong trẻo nhất, là sự va chạm giữa hai thân thể. Cái biết sẽ trực nhận cảm giác do sự va chạm ấy tạo ra. Trực nhận này sẽ giúp chúng ta tự do khỏi cảm giác sung sướng, và đồng thời không đồng hóa vào ý muốn có cảm giác đó lần nữa. Sự nhận biết nhận ra việc có thêm cảm giác này hoàn toàn không cần thiết nên không tham gia hoạt động tình dục. Thực ra, không tham gia hoạt động tình dục đến từ việc thấy nó không cần thiết với mình nữa. Chính cái thấy này mới là tự do.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.