duyên-nợ
1. Sự tĩnh lặng không phải là có thể chạm đến, mà nó là bản chất của chúng ta. Nó không phải là một người đang đi đến một mục tiêu (chạm mục tiêu).
Cơ thể này giống như một tòa nhà, khi tòa nhà bị đập đi, bị phá nát thì không gian tĩnh lặng vẫn luôn ở đó. Và khi tòa nhà vẫn nguyên vẹn (cơ thể sống) thì không gian tĩnh vẫn luôn bao trùm nó. Không gian tĩnh đó cô độc và tỏa khắp, nó không bị chi phối bởi hình tướng. Hình tướng sống hay hoại diệt thì tĩnh lặng vẫn luôn ở đó. Đạo Phật gọi tĩnh lặng này tánh biết, giác ngộ, chánh đẳng chánh giác.
Không gian tĩnh chính là cái ý thức trong sáng. Ý thức đó tuôn qua cơ thể (hình tướng), hàm ý tuôn qua các giác quan. Khi giác quan hoại đi, nó tan vào ý thức trong thế giới vô hình tướng. Giống như nếu tất cả mọi hình tướng hoại đi, thứ còn lại là không gian tĩnh lặng mà thôi. Như vậy, có gì phải sợ khi cơ thể hoại đi? Cần đào sâu vào gốc nỗi sợ, nó chỉ là một sự suy diễn.
2. Duyên là sự tương giao giữa các đối tượng. Nợ là mắc kẹt trong những nghĩ suy về đối tượng. Duyên là tự nhiên. Nợ là chấp vào ý nghĩ chủ quan. Ngày nào con người cũng tương giao với ánh nắng mặt trời. Đó là duyên. Nhưng vì không bám lấy ý nghĩ về ánh nắng mặt trời nên không nảy sinh ra nợ. Một anh chàng gặp một cô gái, tương giao trong ý thức trong sáng, vì thế không nợ. Một người khất thực đi qua một ngôi làng, được người dân cho 2 bát cơm nguội, nhưng vì không bám vào suy nghĩ "là kẻ nhận", nên không nợ. Một người bám vào ý nghĩ phải làm thiện nguyện, đó là nợ. Một người vợ sống cùng người chồng, nhưng không bám vào những suy nghĩ về anh ta, nên chỉ là duyên, không nợ. Một người viết lách nhưng không nảy sinh những ý nghĩ ràng buộc với nó, đó là duyên, không nợ. Những gì xảy đến với chúng ta, đó là duyên. Nhưng bám vào những ý nghĩ với sự xảy đến, thì đó là đang tự ràng buộc mình. Vào thời Đức Phật, ngài bảo thiền sinh đi khất thực. Nhận mà không bám vào ý nghĩ "mình là người nhận". Và khi nhận đủ, nếu được cho thêm, thì từ chối, mà không bám vào ý nghĩ "mình là người từ chối. Như vậy, mọi duyên cứ thế đến và đi, đến và đi. Sự va chạm cứ thế diễn ra tự nhiên mà không có "tôi" trong đó. Và ý thức trong sáng hay sự tĩnh lặng đang soi tỏa lên mọi duyên.
Nhưng vì sự đồng hóa vào hình tướng quá sâu sắc nên thường có một huyễn hoặc rằng "tôi đang cảm nhận sự tĩnh lặng, tôi đang quan sát". Nhưng rõ ràng, sự tĩnh lặng và quan sát là sự tự bộc lộ. Nhung cần chiêm nghiệm vì sao xuất hiện câu hỏi trên? Vì suy nghĩ "tôi" này đang muốn trải nghiệm sự tĩnh lặng? Thứ chúng ta đi soi không phải là tĩnh lặng, mà là soi những ảo tưởng nào đang che lấp nó. Sự tĩnh lặng đang soi sáng. Không phải "tôi" soi sáng. Sự tĩnh lặng tự ý thức về sự tĩnh lặng. Chứ không phải "tôi". Sự tĩnh lặng luôn ở đó dù vẫn còn những dao động tâm có vẻ khốc liệt.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.