khoa học là tương đối

Có một giai đoạn ngắn, tôi làm việc cho một tòa soạn mà họ yêu cầu rằng tất cả những gì được viết ra phải có dẫn chứng khoa học. Đối với họ, khoa học là hàng đầu cho mọi phát ngôn, và những người được gán mác như tiến sĩ, thạc sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, với những công trình đồ sộ, ngôn từ và thông tin logic thuyết phục được họ tôn trọng và đánh giá cao. Bên trong tôi thôi thúc nghỉ việc, và sự nghỉ việc đã diễn ra rất tức khắc. 

Khi có một sự ủng hộ cực đoan cho khoa học, nghĩa rằng bên trong bạn có một sự từ chối ngầm ngầm với cái gọi là trực giác, cảm nhận hay tĩnh lặng. Vì người đi theo tư duy khoa học sẽ không thể hiểu nổi được không gian vô hình tướng hay sự tĩnh lặng là có tồn tại. Có một lần khi viết về chủ đề sự cô độc, sự nhận biết bên trong thôi thúc những con chữ trên màn hình vi tính. Và họ vẫn không đủ mở lòng để chấp nhận những gì được viết ra, vì điều duy nhất mà họ muốn là cần phải có nhà khoa học hay báo cáo khoa học nào đó đã công nhận những điều như vậy. 

Chỉ một số rất ít nhà khoa học trên thế giới này công nhận cái gọi là không gian vô hình tướng hay tĩnh lặng. Còn lại, vì sự ngáng đường của bản ngã tìm tòi hình tướng nên phần lớn các nhà khoa học đều không thể trực nhận được sự tịch tĩnh sâu sắc bên trong họ, vượt thoát khỏi những ngôn từ hay suy diễn cứ chạy hoài trong đầu.

Nói điều đó không có nghĩa rằng có một sự triệt tiêu hay phê phán khoa học ở đây. Có những nghiên cứu và thông tin khoa học là cần thiết cho một đời sống trong hình tướng con người. Nhưng việc bám vào khoa học lại ngáng đường cho việc trực nhận chiều không gian sâu sắc bên trong chúng ta, nơi mà những ý niệm lẫn thông tin không thực sự cần thiết nữa. 

Bạn sẽ thấy thế giới hình tướng là thế giới của sự vô kể. Khoa học sẽ không thể nào khám phá hết thế giới đó và sẽ ngày càng trở nên bất lực, vì mọi cố gắng vươn ra dường như sẽ để lại hoài nghi rằng dường như có điều gì đó không thể đo lường, đong đếm và phân tích được. Những nghiên cứu khoa học là sự hiểu biết được phóng chiếu thành thông tin. Và thông tin thì không còn là chân lý. Nó giống như người vợ được người họa sĩ vẽ thành tranh. Bức tranh là sự phóng chiếu, nó không phải người vợ. Như vậy, chúng ta cần nhìn ra được tính tương đối của thông tin. Và cái gì là tương đối thì không nên đeo đuổi và nỗ lực đạt tới. 






No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.