thời vận
Một cái cây cao lớn và vững chãi nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ: mặt trời, đất, nước, hệ sinh thái xung quanh và không có sự tàn phá đến từ con người hay chúng sinh khác... Nếu sự hỗ trợ là lâu dài, tuổi thọ của nó có thể đến ngàn tuổi hay hơn như thế. Thời vận tốt thì cây xanh tốt, tuổi thọ cao. Nhưng nếu một cây xanh mọc lên ở chỗ đất xấu, gió to, hạn hán... có con người chặt phá hay chúng sinh khác gây hại thì sức khỏe lẫn tuổi thọ của nó sẽ giảm. Những yếu tố tác động đến một chúng sinh tạo ra thời vận cho chúng sinh đó. Những tác động có lúc xấu, có lúc tốt, thời vận vì thế có lúc thăng có lúc trầm. Như những con sóng ngoài đại dương, từng đợt dâng tràn nhưng cũng có từng đợt hạ xuống êm ả.
Khi sinh ra trong một cơ thể con người, nó hứng nhiều tác động mà các giác quan hình tướng có thể tiếp xúc hoặc không thể tiếp xúc. Vì nhân tố tác động là đa dạng, mà một con người bình thường không thể hiểu biết hết. Có người có khi sinh ra trong gia cảnh rất giàu có, nhưng có người sinh ra trong bối cảnh nghèo khổ. Nhưng cái thời vận xoay quanh từng người thì lúc nào cũng biến đổi, lúc thịnh lúc suy. Vì những nhân tố tương giao với từng người là khác nhau, mà hơn nữa, nhận thức từng người với thời vận cũng khác nhau vì thế mà có thể tạo ra thời vận mới, tốt hơn hay xấu đi là tùy vào từng nhận thức.
Cái cốt lõi của thiền sinh không phải là hướng tâm tạo ra thời vận mới. Như thế nào là tạo ra thời vận mới? Ví dụ, chán cảnh nghèo nên tìm mọi cách để gần gũi người giàu, mong thời vận thay đổi tốt đẹp hơn. Cốt lõi của thiền sinh là tâm tĩnh lặng trước mọi biến đổi của thời vận rồi sự tĩnh lặng sẽ tự luân chuyển thân thể này đến thời vận mới phù hợp với nhận thức mới nảy sinh bên trong. Như vậy, cái cối lõi của tu tập không phải hướng ra để thay đổi mà là hướng vào và sự thay đổi tích cực sẽ tự bộc lộ.
Vì sao? Vì một số người ở trong thời vận tốt (sự giàu có, sắc đẹp, tài năng...) và họ thường bị đắm chìm vào việc hưởng thụ thời vận, say đắm với thời vận và là nô lệ của thời vận. Đức Phật được sinh ra trong thời vận tốt nhưng bên trong ngài muốn rời khỏi "thời vận" đó, và sự rời khỏi đó đặc biệt dứt khoát. Điều này rất đòi hỏi sự lắng-tĩnh-dứt khoát-trí tuệ... từ bên trong thiền sinh. Bởi sự bấu víu vào thời vận nơi mỗi người là hết sức lì lợm.
Có người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nghèo khó, nhưng tâm không chịu nổi sự nghèo khó đó và ép mình phải làm việc, phải ra nước ngoài bằng mọi cách để thoát nghèo. Rồi họ huyễn hoặc mình là nạn nhân của hoàn cảnh. Cái suy nghĩ, cái tâm tham muốn nếu không được nhận ra thì nó luôn đưa bạn đến cảnh tượng có vẻ khốn cùng.
Khi thời vận tốt trong sự nghiệp viết báo đến với người viết, người viết chọn dừng lại tất cả và không làm gì cả. Không có lý do, vì sự tĩnh lặng bên trong cảm thấy những thứ từng làm là vô nghĩa với hiện tại. Bạn có bao giờ hỏi những gì mình đang làm có thực sự hữu ích cho sự sống và đời sống này hay không? Hay là đang chỉ kích lòng tham và sự bấu víu vào hình tướng ở mình và những người khác? Nếu việc bạn đang làm kích thích lòng tham và sự mê đắm ở người khác, điều đó thực sự gây hại cho bạn.
Hãy nhẫn nại và tỉnh táo trước mọi thời vận, vì những ngoại cảnh thường kích cái lòng tham muốn được thỏa mãn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.