bạn là tĩnh lặng đang ý thức về tĩnh lặng
Tứ diệu đế mà Đức Phật từng giảng giải cho chúng ta có thể gói gọn ở 3 từ: không dính mắc. Để không dính mắc thì tâm luôn luôn trong trạng thái tĩnh lặng tự nhiên. Tĩnh lặng nghĩa là không chấp vào suy nghĩ, không chấp vào những tưởng tượng, hình ảnh, không chấp vào bất cứ đối tượng nào. Sự tĩnh lặng đó vừa lắng vừa sâu. Nó cố định chúng ta vào sự vững chãi yên bình bên trong đến nỗi mà những biến đổi ở thế giới hình tướng này không thể nào tác động tới.
Ngày nay, trong thời đại công nghệ 4.0, thiền sinh nói riêng và con người nói chung dễ dàng tiếp cận thông tin về Phật pháp. Sự tiện nghi phát triển chóng mặt cũng hỗ trợ họ trong việc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm tu tập với các vị thầy, những người bạn đồng tu khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng, người tu Phật vẫn thường lạc vào các phương pháp tu nhiều hơn là sự chứng ngộ sâu sắc. Như thế nào là lạc vào phương pháp tu? Nghĩa là bám chấp vào những cách thức làm cho tâm tĩnh và an ổn tạm thời như niệm Phật, niệm thần chú, làm từ thiện, phóng sanh, thiền định… Những phương pháp TẠO RA KẾT QUẢ tạm thời đều không nên phấn đấu đạt tới, vì bất cứ điều gì là tạm thời đều không phải là Phật pháp đích thực. Nó chỉ khiến cho thiền sinh mê đắm vào những trạng thái hư ảo dù đó là an lạc, dù đó là hạnh phúc.
Sự tiến bộ tu tập được thể hiện thông qua việc tự do khỏi suy nghĩ
Bạn sẽ thấy tâm trí không có gì khác ngoài một đống suy nghĩ. Suy nghĩ kích cái hình ảnh mê ảo trong tâm trí, kích cho cảm xúc tâm trạng lúc thăng lúc trầm. Bám chấp vào đống suy nghĩ này khiến cho con người chẳng có lấy một phút giây yên bình. Chính suy nghĩ khiến chúng ta phiền não, nhưng cũng chính nó muốn chúng ta yên ổn, sung túc, hạnh phúc. Thật là mâu thuẫn, phải vậy không? Khi nhận ra điều đó, chúng ta thấy rằng nếu tin vào những gì mà suy nghĩ phát ra thì chúng ta đang đi lòng vòng, quay mòng mòng trong cái mê cung do nó huyễn hoặc và sắp đặt. Nhưng khi tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng, tức không còn chấp vào suy nghĩ, sự yên bình luôn luôn ở đó bên trong chúng ta. Như vậy, giác ngộ không phải là điều gì để đạt tới, nó sẵn có. Chỉ là những dính mắc che mờ nó. Vậy thì điều cần là dọn dẹp những dính mắc chứ không phải là cố gắng để đạt được giác ngộ. Vì mọi nỗ lực đạt được đều khiến thiền sinh dần trở nên mệt mỏi, u mê, thậm chí cố chấp và không còn tỉnh táo.
Đức Phật từng nói rằng thế giới này là giả tạm. Vì nó không vĩnh hằng. Nó thay đổi. Và điều gì không vĩnh hằng thì không nên phấn đấu. Tứ diệu đế là đưa chúng ta trở về sự vĩnh cửu, sự tuyết đối. Giác ngộ là tuyệt đối, nơi mà những biến đổi trong thế giới hình tướng này không còn ý nghĩa quan trọng với nó. Ngược lại, người chưa bén duyên với Phật thường khổ vì họ phấn đấu cho những thứ giả tạm: thành công, sung sướng, sắc đẹp, yêu đương, hôn nhân, gia đình, địa vị, tiền bạc, tình dục… Bạn sẽ thấy không ai mà hạnh phúc thực sự khi họ gắng sức theo đuổi những ý niệm hư vô đó. Điều gì khiến cho họ cứ mải đeo đuổi chúng? Vì họ tin vào những ý nghĩ trong đầu, và bị dẫn dắt bởi những ý nghĩ đó. Như vậy, sự tiến bộ tu tập được thể hiện ở chỗ bạn ngày càng tự do khỏi những suy nghĩ không mong muốn. Những suy nghĩ không mong muốn này thực chất là những viên gạch xây thêm cho cái bản ngã ngày càng khổng lồ, cho những dính mắc ngày càng lì lợm.
Nhưng khó khăn của người tu là họ cảm thấy suy nghĩ rất thật, và thế giới này rất thực tế. Điều gì khiến cho họ thấy như vậy? Vì thói quen đeo đuổi suy nghĩ, và nhìn thế giới này thông qua suy nghĩ. Điều này khiến họ gần như luôn sống trong tư tưởng, trong những hình ảnh về thế giới. Lâu dần, thì mọi thứ đều nghiễm nhiên và cực thật trong góc nhìn của họ. Vậy điều thiết yếu là đưa tâm trở về tĩnh lặng, sự tĩnh lặng sâu sắc chính là không gian vô hình tướng, vốn là bản chất của tất cả chúng sinh.
Hãy là tĩnh lặng ý thức tĩnh lặng
Sự sống chính là không gian vô hình tướng hay không gian tĩnh lặng nơi mà mọi thứ sinh khởi và trở về chính nó. Trước một suy nghĩ là sự tĩnh lặng, suy nghĩ kết thúc trong tĩnh lặng. Sự hít vào xuất phát từ tĩnh lặng và thở ra vào tĩnh lặng. Trước khi tim đập là tĩnh, và nó kết thúc trong tĩnh. Bạn có thấy, thế giới hình tướng này đều sinh ra và diệt đi vào tĩnh lặng. Trước sinh là tĩnh, sau diệt là tĩnh. Như vậy, sự tĩnh lặng không có mở đầu, không có kết thúc. Đức Phật gọi đó là niết bàn, không sinh không tử. Nhưng con người lạc vào sinh-tử, vì thế mà khổ. Nếu cố định mình vào tĩnh lặng, thì sẽ không có khổ. Cốt lõi tu tập nằm ở chỗ đó. Bạn là tĩnh lặng cảm nhận sự tĩnh lặng sâu sắc từ bên trong. Khi bạn là tĩnh lặng, bạn nhận biết thế giới vô hình tướng sâu lắng và yên bình nội tại, đồng thời biết rõ những biểu hiện biến đổi ở thế giới hình tướng này nhưng lại không hề nảy sinh những dính mắc với chúng. Nói cách khác, bạn là sự ý thức, và ý thức về bản chất của mình (tĩnh lặng). Lúc đó, bạn sẽ ý thức về thế giới này nhưng hoàn toàn tự do khỏi nó. Chẳng chúng sinh nào mà lại không ý thức về chính nó. Đức Phật gọi đó là Phật tánh luôn nằm trong tất cả.
Đừng cố gắng quan sát suy nghĩ hay bất cứ điều gì trong thế giới hình tướng, vì điều đó sẽ khiến bạn lạc vào sự đeo đuổi chúng và là nô lệ của chúng. Nhưng khi bạn ý thức về sự tĩnh lắng bên trong, sự tĩnh lắng đó sẽ nhìn thấy suy nghĩ tan vào tĩnh lặng. Thế giới hình tướng này, hay thế gian, không còn khổ đau đối với bạn. Chúng kết thúc đối với bạn.
Khi những suy nghĩ cố gắng thu phục bạn và khiến bạn là chúng, hãy cố định mình vào sự tĩnh lặng sâu sắc ở bên trong. Cảm nhận sự tĩnh lặng đó lâu nhất có thể. Những dính mắc, những tư tưởng sẽ tan vào tĩnh lặng. Và càng ngày, bạn sẽ cảm nghiệm sự điềm đạm-yên bình-vững chãi từ bên trong. Bạn sẽ thấy những phản ứng tâm lý dần tan biến cho đến khi tan biến hoàn toàn. Còn những gì mà người đời cho rằng là biến cố, thử thách sẽ không còn là trở ngại đối với bạn nữa. Bạn đơn giản nhìn mọi thứ như nó là, tức không thông qua ngôn từ, ý niệm, xúc cảm... Vì những tư tưởng tạo mối quan hệ giữa bạn và những thứ xung quanh đã tự chính chúng tan rã vào không gian vô hình tướng.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.