im lặng cùng nhau

Một cặp vợ chồng nọ có cơ duyên gặp vị thiền sư và hy vọng ngài chỉ dẫn cách giúp hai người không còn cãi vã và xích mích nhiều nữa. Vị thiền sư trầm ngâm một hồi, bèn nói: '

- Nếu anh chị cam kết quyết tâm thực hiện điều này, không lâu sau sẽ hòa hợp và an tịnh. Buổi sáng thức dậy, hãy ngồi với nhau trong im lặng khoảng một tiếng. Buổi tối trước khi đi ngủ, hãy ngồi im lặng một cách thoải mái với nhau trong hai tiếng. Hãy nhớ không nói gì, hãy hướng sự chú tâm vào bên trong, cảm nhận không gian im ắng trong khi vẫn có mặt với người kia. 

Khi trở về, cặp vợ chồng thực hiện theo lời vị thiền sư. Buổi sáng thức dậy, họ ngồi với nhau trong im lặng. Nhưng chỉ khoảng một vài phút, những ý nghĩ bắt đầu phát sinh thôi thúc muốn nói điều gì đó với người kia, hoặc muốn làm một cái gì đó khác như thói quen thường ngày sau khi tỉnh dậy. Bên trong họ bắt đầu nảy sinh sự khó chịu, bứt rứt. Nhưng nhớ lời vị thiền sư, họ tiếp tục kiên nhẫn cảm nhận không gian im ắng, mặc cho những khuynh hướng tâm trí vẫn bướng bỉnh theo thói quen của nó. 

Buổi tối đến, sau một ngày làm việc, và khuynh hướng tâm trí chỉ muốn được thỏa mãn những yêu thích nhằm khỏa lấp đi bao mỏi mệt. Cặp vợ chồng vẫn thường chia sẻ, hàn huyên với nhau trước khi đi vào giấc ngủ, và điều đó đã thành một thói quen. Nhưng nhớ lời vị thiền sư, họ tiếp tục ngồi có mặt với nhau trong im lặng. Những khuynh hướng suy nghĩ tràn về như những đợt sóng thần. Đôi môi lẫn thân thể họ như rung lên vì sự thôi thúc của tâm trí. Nhưng sự quyết tâm bên trong họ đã khiến cái bản ngã háu thắng bị khuất phục. Trong không gian tĩnh lặng, mọi khuynh hướng tâm tràn ra rồi lại tan vào sự im ắng. 

Chúng ta thấy, khi tâm bắt gặp một đối tượng, nó luôn muốn hướng ra để tạo mối quan hệ với đối tượng đó thông qua ý nghĩ, ý nghĩ thôi thúc lời nói và hành động. Khi thấy một ai đó, những khuynh hướng phản ứng máy móc bằng lời nói và hành động tuôn ra. Cũng như thế, khi vợ và chồng ngồi cạnh nhau, họ thường sẽ bị những khuynh hướng ý nghĩ này thôi thúc phải chia sẻ bằng lời, một khuynh hướng chia sẻ rất giới hạn. Nếu không nói với nhau, tâm trí họ sẽ chía sự tập trung vào các đối tượng khác nhau, và giữa họ không có sự hòa điệu về mặt không gian. Dù họ có vẻ không nói gì với nhau, im lặng về ngôn từ, nhưng nếu tâm trí họ vẫn hướng tới các đối tương tượng khác, thì sự im lặng này vẫn chỉ khiến giữa hai người thêm xa cách. Vì thế, sự hiện diện với nhau trong tĩnh lặng rất quan trọng. Vì lúc này, họ mới có thể là một. 

Khi ngồi có mặt với nhau trong im lặng, người vợ và người chồng nhận ra bao lâu nay, họ đều bị cái tâm hướng ngoại chi phối. Nhưng cái tâm hướng ngoại mà ta gọi là bản ngã đó dù có lì lợm đến đâu cũng đều quy hàng trước sức mạnh tĩnh lặng. Trong sự im ắng, họ cảm nhận được sự lắng nghe và thấu hiểu đều bộc lộ từ đó, điều mà trước đây họ cứ luôn nghĩ rằng phải nói thì nửa kia mới hiểu. Nhưng nếu càng nói, nhiều khi nửa kia còn suy tư và lo nghĩ vẩn vơ nhiều hơn. Nhưng trong sự im lặng, mọi khuynh hướng tưởng tượng, sợ hãi và lo nghĩ bị biến mất. Họ cảm thấy "người kia đang vỗ về mình" nhưng họ lại chẳng phải động tay động chân gì cả. 

Mọi khuynh hướng tâm chuyển động trong tĩnh lặng và tan vào tĩnh lặng. Nhưng khi bị chi phối bởi các khuynh hướng tâm trí, chúng ta cảm thấy mình như đang bị luân chuyển trong những trạng thái khác nhau, từ đau khổ đến sung sướng, từ sợ hãi đến can đảm, từ tự ti đến tự tin... Nhưng thực ra thì, mọi trạng thái đó chung quy lại đều là phiền não, đều co quắp giãy giụa trong sự bất an. 

Các khuynh hướng tâm trí là sự biểu lộ biến chuyển trên bề mặt không gian, vì thế vị thiền sư mới nói cặp vợ chồng hãy hướng sự chú tâm vào sâu bên trong, nơi mà các khuynh hướng bề mặt không thể tiến sâu được, và theo nguyên lý, chúng sẽ đều tan biến vào khoảng sâu đó. Điều này nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự lắng tâm vững hay dễ sa ngã nơi mỗi người. 

Sự thực tập im lặng cùng nhau, cùng lắng tâm vào khoảng không gian thanh tịnh bên trong giúp cho chúng ta cảm thấy tất cả đều là một. Từ đó mà không có phân chia, không có phân biệt, không có định kiến. Trong đời sống gia đình, những lời nói lẫn hành động của mỗi người đều bị chi phối bởi suy nghĩ vì thế mà có sự cãi vã và xích mích. Bởi các khuynh hướng ý nghĩ đều chủ quan và mang theo đó những sự đánh giá giới hạn. Sự giới hạn đó đưa chúng ta rơi vào sự khổ đau. 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.