càng sớm càng tốt
Ở những năm tháng đầu đời, tâm thức chúng ta sẽ bị chi phối bởi những tâm thức của những người xung quanh, mà trong đó điển hình là cha mẹ-người thân. Tâm thức bị chi phối khi mà nó không hướng nội và ý thức về chính mình. Khi tâm thức bị chi phối bởi những khuynh hướng như thế nào, nó sẽ phóng chiếu thành những khuynh hướng tương tự và thu hút những khuynh hướng tâm thức tương tự, ta gọi đó là đồng thanh tương ứng-đồng khí tương cầu.
Dù bị chi phối bởi những tâm thức của những người xung quanh trong những năm tháng đầu đời, thì đó chỉ là một điều kiện để nói lên một phần tâm thức nơi một người. Vì tâm họ sẽ bộc lộ cấp độ dựa trên sự tự ý thức về chính mình trong đa dạng các mối quan hệ cũng như chiêm nghiệm-quan sát khuynh hướng tâm mà họ chấp vào từ đó có sự chuyển hóa nội tâm. Con người phải chịu trách nhiệm cho những hệ quả do khuynh hướng tâm tạo ra, và thế giới phải gánh chịu hậu quả cho những thôi thúc tâm trí tạo thành hành động, mà điển hình trong đó là sự đau khổ.
Khi lớn lên, tâm trí con người bị chi phối mạnh bởi các quan niệm xã hội mà anh ta cho rằng như vậy là đúng đắn. Ví dụ, đàn ông sẽ không thể không thành đạt trước độ tuổi 30 hay 40, và phụ nữ không thể không lấy chồng sinh con ở độ tuổi tương tự. Những khuynh hướng này khiến cho họ áp đặt phải gặt hái những thành tựu cá nhân riêng. Họ chia cuộc đời thành các giai đoạn, giai đoạn trước 18 tuổi là cố gắng học tập thật tốt, giai đoạn 18 đến 30-35 là xây dựng sự nghiệp ổn thỏa, và giai đoạn sau 35 khi sự nghiệp ổn thỏa, họ có thể vẹn toàn với gia đình, và cùng đó là sự tinh tấn tu tập. Nhưng rõ ràng, không phải cuộc đời ai cũng rành mạch theo sự vạch sẵn đó của tâm trí. Và nếu vẫn cố chấp vào điều này, thì sự dính mắc sẽ càng lớn lên thêm và vào giai đoạn được cho là tu tập thì tâm trí hướng ngoại quá mạnh, hoặc đã theo một guồng quay cũ nên khó mà hướng nội một cách quyết tâm. Thậm chí, nhiều người quá tự mãn và cảm thấy hài lòng với sự thành đạt nên sau giai đoạn thành đạt, họ hướng ra để thụ hưởng những thành quả mang tính cá nhân. Con người khi đã gieo nhân thì đều "muốn" ăn quả. Và khi ăn quả, hết quả thì họ lại muốn gieo nhân. Quả là một vòng luẩn quẩn trong gieo nhân gặt quả, phải vậy không?
Vậy nên rõ ràng, sự ý thức chính mình càng sớm thì càng tốt, đúng không? Chúng ta sinh ra không phải là để học bài học, mà để nhận ra bản chất thực sự của mình. Tâm trí thường cho rằng mình sinh ra để học bài này đến bài khác, nhưng có ai để học và cái gì là bài học? Nếu tâm cho rằng học bài này, thì còn bài khác, vậy thì nó sẽ hướng ra để có thêm và nhận thêm bài học. Lại là một vòng luẩn quẩn khác. Chỉ có sự tĩnh lặng là thực tại duy nhất và ý thức chính mình là sự chân thực mãi mãi. Không có gì để học cả. Nếu có một cái mới để học, thì cái đó không thể nào là vĩnh cửu. Cái vĩnh cửu là cái đã sẵn có, và không bao giờ bị mất đi.
* Ở đây, tâm thức có nghĩa là: thức là ý thức; tâm là trạng thái không gian; tâm thức là ý thức trạng thái không gian. Khi ý thức không đúng đắn, không gian trạng thái bị nhiễm bẩn. Khi ý thức trong sáng, không gian trạng thái trong sáng và tĩnh tại. Tâm thức của chúng ta vốn dĩ tĩnh tại, nhưng vì sự dính chấp nên nó bị giới hạn.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.