nỗ lực tâm linh được duy trì
Với những thiền sinh, nhiều trong số họ đã từng trải qua một số thực hành tâm linh nào đó trong quá khứ và điều này vẫn còn in dấu ấn trong nhận thức hoặc tiềm thức của họ. Nói điều đó có nghĩa là nỗ lực tâm linh ở kiếp trước vẫn được duy trì sang kiếp sau, chứ không hề bị mất đi.
Trước hết chúng ta sẽ nói đến sự nỗ lực tâm linh đúng đắn, có nghĩa là bên trong người này xảy ra nhận thức đúng đắn về bản chất của thực tại, anh ta dần tự do khỏi những suy nghĩ, hay nói cách khác, nhiều dính mắc hay chướng ngại nội tâm của anh ta bị dỡ bỏ. Cái chết chỉ đơn thuần là sự chấm dứt của một chu kỳ thân xác con người, nhưng thực chất thì thể xác đó chuyển hóa để trở về các nguyên tố cốt lõi tạo nên vũ trụ này. Điều đang tiếp tục bên trong tâm trí thì vẫn tiếp tục. Ta gọi đó là "đặc điểm" nhận thức của một người không bị mất đi mà nó chỉ đơn giản là tiếp tục ở một cơ thể mới, nếu nhận thức đó chưa thuần khiết hoàn toàn.
Và tất nhiên, những nỗ lực tâm linh sai lầm vẫn tiếp tục khi "bạn" ở trong một cơ thể khác. Nỗ lực tâm linh sai lầm nghĩa là vướng mắc vào thế giới hình tướng này mạnh mẽ hơn, trong khi đó vẫn lầm tưởng rằng mình đang thực hiện những thực hành tâm linh đúng đắn.
Đó là lý do vì sao chúng ta thấy con người thường bén duyên với những "xu hướng" tu tập khác nhau, có người cảm thấy vị thầy này phù hợp với mình, và có người lại cho rằng vị thầy đó giảng giải không đúng đắn, vì họ phán xét dựa trên "kinh nghiệm" bên trong họ. Và "kinh nghiệm" bên trong họ thúc đẩy cho sự lựa chọn học hỏi và trải nghiệm. Suy cho cùng, mọi thực hành tâm linh đều đang phù hợp với trình độ nhận thức bên trong mỗi người. Một người thầy chỉ ra nguyên lý, anh ta không có động cơ điều hướng thiền sinh đi về phía mình.
Một người có động cơ điều hướng nghĩa là anh ta chưa đủ mạnh. Vì khi sức mạnh nội tâm bên trong anh ta đủ lớn và vững vàng, anh ta chỉ cần tĩnh lặng và sức mạnh tĩnh lặng đó thu hút các đối tượng tự nhận thức về bản chất của nó. Như vậy, sức hút của sự tĩnh lặng kích hoạt nhận thức bên trong đối tượng tự hướng cảm nhận về chính nó, chứ không phải là thế giới hình tướng.
Ở đây, chúng ta sẽ bàn luận về hai khía cạnh: 1/ sự tĩnh lặng không có động cơ ghi nhớ, nhưng ghi nhớ cũng là một biểu hiện tự nhiên của nhận thức thuần khiết. 2/ bản ngã là sự cố ý ghi nhớ. Nỗ lực tâm linh đúng đắn nghiễm nhiên là sự nhận thức tự nhiên bên trong một người, và nó không thể biến mất sau khi một cơ thể tan rã về tứ đại. Một số người đã gần như chín muồi trong nhận thức ở kiếp trước nhưng vẫn chưa "hoàn thành", và nhận thức ấy vẫn chảy bên trong họ ở kiếp này thôi thúc họ đi đến những quyết định và cùng một số dính mắc còn sót lại thôi thúc họ trải nghiệm. Khi bản ngã thôi thúc cho sự trải nghiệm thì chắc chắn hệ quả bao giờ cũng đau khổ. Và chính đau khổ này kích cho nhận thức bên trong họ mở ra, và những dính mắc cũ bắt đầu hạn chế. Nỗ lực tâm linh đúng đắn, nghiêm túc sẽ khiến những dính mắc còn sót lại ngày càng trở nên suy yếu.
Trong khi đó, những nỗ lực tâm linh sai lầm bao giờ cũng là sự cố ghi nhớ những thực hành. Và nó vẫn tiếp tục ám ảnh bạn ở kiếp này cho đến khi có một nhận thức mới đúng đắn mở ra bên trong bạn, và sự nỗ lực sai lầm này chấm dứt.
Nhưng điều quan trọng là trong nhận thức không nên định hình tư duy về kiếp trước và kiếp sau, vì điều đó trói buộc bạn với quá khứ và tương lai, hai thứ chỉ đơn giản là ý niệm mà không thực có. Vì thế, không nên bị ấn tượng bởi sự thắc mắc "liệu kiếp trước mình đã nỗ lực tâm linh ra sao" và liệu kiếp sau còn duy trì được những điều này nữa hay không. Hãy là hiện tại.
No comments:
Note: Only a member of this blog may post a comment.