thử thách và sự chấp nhận

Tinh thần du mục (tu sĩ lang thang) là một pháp tu phổ biến vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay. Nói về tính hiệu quả, nó có một tác động lớn kích hoạt tâm trí lặn sâu vào sự tĩnh lặng bên trong vì đó là cách duy nhất khiến cho người ta luôn cảm nhận rõ sức mạnh nội tại tối thượng vì ở bên ngoài, họ gần như không có một nơi chốn cố định để ở, một người cố định để nương nhờ vào hay cả điều kiện thức ăn nước uống cho mục đích sinh tồn cũng đầy sự hạn chế và thiếu thốn. Họ có thể đối đầu với những bất trắc bất cứ lúc nào. Chính sự dịch chuyển liên tục và bất ổn định đó giúp sự lắng sâu vào trong là liên tục và mạnh mẽ, nhằm cho những ý nghĩ phán xét về sự bất ổn không trỗi dậy và "nuốt chửng" họ. 

Điều này tương tự như kiểu khi bạn xây dựng ngôi nhà một tầng sẽ khác với ngôi nhà 10 tầng. Phần móng của ngôi nhà 10 tầng dĩ nhiên sẽ đâm sâu và vững chắc vào trong lòng đất hơn so với ngôi nhà 1 tầng, và điều này tất nhiên còn tùy vào vị trí địa lý, khí hậu... - tức những tác nhân gây ảnh hưởng lên cả ngôi nhà đó. Cũng vậy, khi thử thách lớn thì nó đòi hỏi sự chú tâm mạnh mẽ, nếu không, bạn sẽ rung lắc, mất cân bằng và dẫn đến sụp đổ. 

Ở các quốc gia núi non như Nepal, nếu bạn thực hiện một chuyến đi ở vùng sâu vùng xa thì có khi cả một ngày trời, bạn mới gặp một ngôi làng để tá túc. Sau Covid, du lịch ở đây bắt đầu trở lại nhưng những cung trek "off-the-beaten-path" gần như hiếm thấy một du khách nước ngoài nào, vì tính không phổ biến lẫn thiếu tiện nghi cơ bản của nó. Ganesh Himal là một cung trek tương tự. Bạn có thể dành hàng tháng trời ở đây, xuyên qua mùa đông cho đến mùa xuân nhưng nó hiếm khi có bước chân của người ngoại quốc. Một số em bé cảm thấy xa lạ, ái ngại và xấu hổ khi người nước ngoài đến gần, rất khác với các cung trek Langtang, Everest, Annapurna nổi tiếng - nơi mà các em bé tự động chạy lại bắt chuyện với du khách. 

Sự dịch chuyển liên tục với độ dốc lên cao xuống thấp một cách đột ngột, biên độ lẫn cường độ mạnh, cùng hành lý trên vai, là một thử thách lớn với tâm trí. Những khó chịu trên cơ thể sẽ kích cho tâm trí hoạt động mạnh với những suy nghĩ tiêu cực, biến chuyến trekking đôi khi như một sự hành hạ bản thân. Nhưng thử thách đó sẽ nói lên rất rõ nguyên lý vận hành qua lại giữa thân-tâm-cảnh. Tâm là thứ ở giữa, như một thể trơ, tạo mối quan hệ với những gì diễn ra trên cơ thể và môi trường thông qua các ý nghĩ, tư tưởng hay sự phán xét. Các suy nghĩ này khiến dòng chảy tự nhiên bị tắc nghẽn, vì nó khiến cho sự trải nghiệm trực tiếp bị gián đoạn. 

Bạn có thể hiểu điều này thông qua ví dụ đơn giản là: Khi ăn một quả táo, điều đó là một trải nghiệm trực tiếp giữa vị giác và quả táo khi va vào nhau nhưng những suy nghĩ về sự trải nghiệm đó lại không phải là trải nghiệm nữa. Cũng vậy, khi những suy nghĩ phát sinh về điều này hay điều khác, nó không phải là trải nghiệm mà sự "bóp méo" trải nghiệm. Như vậy, chỉ có sự tĩnh lặng mới giúp chúng ta kinh nghiệm mọi thứ và kể cả bản chất chính mình một cách trực tiếp. 

Một số tu sĩ lang thang dùng sự du mục hay lang thang này là một cách để "rèn luyện" nội lực bên trong họ. Khi họ cảm nhận được sự chấp nhận ở một không gian sâu sắc về việc mọi thứ trong thế giới hình tướng này là bất toàn và bất ổn định, nhưng luôn có một thái độ bình ổn và cân bằng sâu sắc ở bên trong, đó là lúc nhận biết thuần khiết bên trong họ thôi thúc họ là chính mình một cách mạnh mẽ nhất. Quá trình tu tập như sự chín dần của một trái cây, nhưng sự chứng ngộ thì như thể một trái cây đã chín hoàn toàn và rụng khỏi cây rồi không bao giờ trở lại cây nữa. Đúng thế, một nhà tu khổ hạnh nào đó ở Ấn Độ đã có một ví von thú vị như vậy. 

Quay trở lại sự trekking, đứng trước những cái gì gây ra trở ngại cho thân thể, hay tâm trí tỏ ra khó chịu với loại trải nghiệm nào đó, nó thường tỏ ra rất chống đối, ngán ngẩm hoặc kiểm soát. Bạn có thể chọn kết thúc trải nghiệm đó, và tận hưởng một điều gì đó dễ chịu hơn, nằm trong vùng an toàn mà tâm trí sắp đặt; Hoặc là bạn cảm nhận không gian chấp nhận từ bên trong, rộng mở hơn với những hoàn cảnh bên ngoài. Và chính thái độ sau này mới giúp bạn dần dần không bị rơi vào vòng "rat-race" của chọn lựa mang tính lý trí. 

Sự nhận biết luôn linh hoạt trong việc điều chỉnh cường độ lẫn biên độ thử thách, nhằm giúp cho sự chấp nhận sâu sắc ngày một sâu sắc hơn từ bên trong. Giống như một người phụ nữ sống cùng những đứa con bướng bỉnh. Và cô ta cho những đứa trẻ đến trường học từ sớm, và lúc đó, cô ấy có không gian một mình nhằm không bị các đứa con quấy rầy. Trong thời gian này, cô đi sâu hơn vào bên trong, nội lực cô mạnh hơn mỗi ngày, và bên trong cô có một sự chấp nhận và lòng yêu thương.

Đừng vội từ chối và lảng tránh điều gì đó một cách cực đoan, cũng đừng vội háo hức trải nghiệm điều gì đó một cách vồn vã; hãy chậm lại từ bên trong và mọi thứ xảy đến sẽ đúng và phù hợp với nhận thức bên trong bạn. 





No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.