điều chúng ta cần

Khó khăn của việc việc thực hành tĩnh lặng thực sự không đến từ việc chúng ta thiếu kiến thức; không đến từ việc có quá nhiều pháp môn đến nỗi ta sợ bị lung lạc; không đến từ việc ta thiếu một người thầy dẫn dắt; không đến từ những trách nhiệm, nghĩa vụ thế gian mà ta đang đảm đương. Trong thời đại này, khó khăn của sự quay vào bên trong đến từ việc con người ta không đủ khả năng để cô độc, không đủ chăm chỉ, kiên quyết và nghiêm túc tự nhận thức bản thân; không đủ khát khao tự do tinh thần mà luôn đòi hỏi và tham muốn sự tự do vật chất. Thời đại này, lòng tham đã bị đẩy lên quá cao độ đến nỗi tâm sân hận khi không đạt được thì leo thang; và nỗi si mê mù quáng từ tham muốn che lấp đi tâm hồn bình yên và sáng trong vốn có. 

Tâm trí luôn sợ sai khi thực hành một điều gì đó, và nó cứ đọc rồi nghe hết cái này sang cái khác về sự thực hành tâm linh. Nhưng sau đó, nó trở nên mơ hồ, nghi ngờ về việc liệu thực hành như thế này thì có đúng đắn. Điều chúng ta cần không phải là tiếp thu một dạng kiến thức đúng chuẩn để rồi thực hành; mà hãy thấy sự tự nhận thức chính mình là bản chất của mỗi chúng ta. Ai cũng có khả năng ý thức bản thân; chỉ cần hướng sự chú ý vào bên trong, quan sát, cảm nhận, lắng nghe. Và rồi nguyên lý vận hành của thân-tâm-cảnh sẽ tự hiển lộ trong ý thức đó. Và bỗng nhiên có một sự trực nhận về việc bản chất của mình vốn là ý thức chứ không phải những đối tượng được ý thức. Một lần nữa, điều chúng ta thực sự cần, trong thời đại này, là sự chăm chỉ và nỗ lực hết mình vì mục tiêu bên trong. Luôn tự Đánh-Thức mình khi ý thức bị các khuynh hướng tâm trí điểu khiển, và hướng nó vào cố định bên trong ngay lúc đó. 

Thời gian một kiếp người thực sự ít ỏi, so với sự dính mắc vố sô kiếp. Nếu không thực sự tận dụng tối đa sự ân điển thân người một cách đầy lòng biết ơn, với sự thực hành tinh tấn, chúng ta hãy tự chiêm nghiệm về hậu quả đầy nguy hiểm sẽ xảy đến. Giống như một tù nhân, điều đáng tiếc không phải là việc làm mà anh ta vừa gây ra, mà điều đáng tiếc nằm ở chỗ anh ta đã không nhận ra lỗi lầm này phát sinh từ đâu, và khả năng tự do tinh thần ngay cả khi thân xác này nằm trong song sắt. 

Sự tự nhận thức không phải là phán xét, không phải định kiến, càng không phải sự suy luận hay kết luận. Đó là khả năng cố định chính mình trong khi nhìn thấy một cách khách quan tiến trình mọi thứ tương tác với nhau ra sao và thúc đẩy hành vi kết quả như thế nào. Nếu chỉ thấy, thì làm sao tồn tại nhân quả, phải vậy không? 



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.