mở rộng tâm trí

 1. Những người có tâm trí hướng ngoại rất sợ cô đơn, nghĩa là tâm trí họ không tìm thấy sự kết nối với đối tượng nào đó và tìm thấy sự thỏa mãn ở đó. Và khi họ có điều kiện hướng ngoại, họ sẽ nói rất nhiều, suy nghĩ nhiều hoạt động để thực hiện và thỏa mãn khi hoạt động đó đang được thực hiện. Đó là cách để tâm trí họ cảm thấy tràn đầy sức sống, nhưng một khi không có gì để làm, họ lại khó có thể chịu được. Họ cảm thấy như cạn kiệt năng lượng, bên trong họ như điên lên, thèm khát phải làm gì đó, và nếu không, thì họ thấy cuộc sống này thật là vô nghĩa. 

Phần lớn tâm trí con người đều quen với làm (và bắt đầu là suy nghĩ - một dạng làm trong tâm trí, và bị các suy tư này thôi thúc thành hành động - một dạng làm trong thế giới hình tướng). Đó là lý do vì sao bất cứ lúc nào tâm trí nghỉ ngơi, họ không quen, họ lại sa vào các suy tư và tin rằng mình phải làm gì đó, nếu không thì không thể nào sống nổi. Khi làm vượt quá sự nghỉ ngơi, sẽ kéo theo rất nhiều khủng hoảng tinh thần sau đó như trầm cảm, lo lắng, bất an, sợ hãi... Để hậu quả này không xảy đến, thì đòi. hỏi mỗi chúng ta cần nhìn ra được sự nguy hiểm của một tâm trí náo động không cho phép chúng ta thực sự sống một cách chất lượng; và nhìn ra ý nghĩa của những phút giây dù ngắn ngủi của việc một tâm trí bình lặng thoát ly ra khỏi các suy tư. 

2. Chúng ta thường có thói quen suy nghĩ rằng vật chất có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của chúng ta, và vì bản ngã không biết điều gì sẽ xảy đến trong tương lai nên nó luôn phòng hộ vật chất càng nhiều càng tốt nhằm đề phòng bất trắc có thể xảy đến. Chúng ta ám ảnh bởi thể xác này, và cho rằng chúng ta - là thể xác này - phải cần nhiều hơn, và sự nhiều hơn vật chất đó mới có thể giúp chúng ta sống tiếp. 

3. Nếu bạn nghĩ rằng mình đến trái đất để học các bài học, thì bạn sẽ luôn có cảm tưởng về việc mình đang phải học bài học gì đó, và sẽ có rất nhiều rất nhiều bài học mà mình vẫn chưa vượt qua. Nhưng nếu bạn biết rằng bản chất của mình là không gian vô hình tướng, thì bạn sẽ thấy và tin mình không có gì để học. 

Ý trước và hành động theo sau, đó là lý do vì sao nói rằng mọi thứ diễn ra đều đã được định trước. Hôm nay bạn đi chợ, và ở chợ, bạn mất ví tiền. Điều đó đã được định trước. Như vậy, bất cứ chuyện gì diễn ra với thân thể này, mọi chuyện xoay quanh nó ra sao, đều đã được định trước, vậy thì việc phản ứng có thay đổi được điều gì? Sự quay vào bên trong có nghĩa là chấm dứt sự phản ứng tâm trí với điều kiện, vì mọi phản ứng đều không có hữu ích, thậm chí khiến bạn trở nên yếu đuối, sợ hãi, và ngày càng trở nên bấn loạn hơn với những gì đang diễn ra không theo ý muốn chủ quan. 

4. Tâm chúng ta rất dễ nhạy cảm. Nó định hình những mong muốn ngấm ngầm với từng thứ mà thân thể này làm, kể cả với những việc làm nhỏ bé nhất, luôn tồn tại một mong muốn đằng sau đó, về việc nó phải xảy ra theo một lý tưởng như thế nào. Vì thế, nó luôn ngoái đầu để nhìn lại việc cũ, liệu nó có tốt hay không, liệu nó có xảy ra theo ý muốn hay không, cái tâm này luôn kiểm soát mọi thứ đã xảy ra, và tưởng tượng trong đầu về cái cách nó sẽ phải xảy ra như thế nào. Mà không hề định tĩnh và trong sáng hoàn toàn với việc nó đang thực sự xảy ra. 

5. Nếu có một đối tượng cần nghiên cứu thì đó chỉ là tâm. Vì thế giới không thể xuất hiện nếu tâm trí không xuất hiện. Khi ngủ, tâm trí tạm lắng và thế giới không nằm trong nhận thức của bạn, cho đến khi tâm trí tỉnh dậy. Như vậy, mọi đối tượng khác ngoài tâm trí được nghiên cứu suy cho cùng đều phải trở về nghiên cứu tâm, và truy tận cùng nguồn gốc của tâm. Hay nói cách khác, thế giới hình tướng là mồi ăn của tâm trí hướng ngoại. Đi phân tích các hiện tượng bên ngoài để làm gì, trong khi không nhận ra cái tâm háu đói con mồi đang là nguồn cơn của mọi vấn đề?



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.