thuận thiên ý

1. Bản ngã vi tế nằm ở chỗ, bạn thường có thói quen gán suy nghĩ hay cố giải thích những gì đã, đang và sẽ xảy ra. Bạn nói, cái này diễn ra với mình; bạn nói, cái kia xảy ra với anh ta; bạn cho rằng đây là phước báu, bạn tin đây là vận xui... Bạn đều cố gán cho mọi thứ diễn ra một ý niệm hay một lý lẽ nào đó. Nhưng không nhận ra, tất cả chỉ là những ý nghĩ, không hơn không kém. Quay vào bên trong là chúng ta dần tính lắng, và quen thuộc với ngôn ngữ chung của vũ trụ là sự tĩnh lặng. Không cái tôi, không ý niệm chạy trong đầu. Không cái tôi, không vấn đề gì cả. 

2. Một số cảm xúc sân chưa khởi lên rõ thấy nhưng các ý nghĩ cho thấy sự không bằng lòng. Đó vẫn là sân. 

3. Trong một số lớp tĩnh lặng, người viết thường chia sẻ rằng, việc tĩnh lại và viết ra sẽ rất tốt. Đó là khi nhận thức bạn thấm đẫm một lần nữa sự nhận ra của nó. Sự tĩnh lặng khởi sinh tư duy bằng con chữ, đó là cách giúp nhận thức bên trong bạn trở nên lắng sâu hơn,  biết hướng đi này là đúng đắn, và thế, tâm trí hướng ngoại sẽ trở nên hạn chế hơn. Việc viết, với người viết, quan trọng và gần gũi hơn nhiều so với việc đọc. Bởi bản thân không liên kết với việc đọc nhiều, theo tất cả mọi nghĩa. Cuộc sống hàng ngày, luôn xoay quanh sự cảm nhận, và một chút ít thời gian, gần như cũng rất ít, sự tĩnh lặng thôi thúc cho việc viết ra. 

4. Suốt những năm tháng lúc thịnh lúc suy, một sự nhận ra sâu sắc rằng mọi thứ nếu được thực hiện, hãy bằng cả trái tim tràn đầy tình yêu chân thành, và sự việc có thành hay không thì luôn là thuận theo thiên ý chứ không nằm trong tầm kiểm soát của mình. Như việc bạn trồng một vườn hoa, chăm bón rất chu đáo, đến ngày nở hoa thì bão kéo về. Cả vườn hoa bị càn quyét trong bão tố. Cũng vậy, cuộc đời con người dù nỗ lực đến đâu thì thành quả luôn là do đạo quyết định. Hãy thấy quy luật đó mà thanh thản trước muôn việc trong đời. Đừng cố chấp.  Đừng than thở. Đừng lăn tăn được mất quá nhiều. Nếu không được thì nghĩa là cái mất đó là phước cho một sự mở mang tâm thức. Nếu được, hãy dùng cái được đó cho sự mở mang tầm nhìn bên trong. Muôn sự ở đời, đều cần phải biết tận dụng cho sự tịnh tâm vậy. Nếu thế thì chẳng gì làm khó được ta!

5. Khi bạn đồng hóa vào vai nạn nhân, những câu chuyện bạn kể thường bị bi kịch hóa, với động cơ muốn tạo sự chú ý và thu hút sự đồng cảm, xót thương nhiều nhất có thể. Tâm trí thường đóng vai "tôi phải chịu gì đó, có gì đó xảy đến với tôi, ai đó đối như thế nào đó với tôi". Nghĩa là, mọi sự diễn đạt thành lời với suy nghĩ "tôi" chính là phần bản ngã vi tế. Nó luôn cho bạn ấn tượng bạn là một cá nhân trong mối quan hệ với các đối tượng khác. Cái tôi cá nhân này là nguồn cơn của mọi rắc rối. Nó luôn có lý lẽ cho mọi thứ mà nó nghĩ, và nó sẽ dẫn bạn đi theo các quan điểm với sự mê hoặc khiến bạn gần như đến hoàn toàn đánh mất chính mình. Sự si mê này đòi hỏi một ý thức cảnh giác cao độ. Hãy hỏi "tôi là ai" và cái tôi cá nhân giả tạo này sẽ biến mất.



No comments:

Note: Only a member of this blog may post a comment.

Trang Ps Blog. Powered by Blogger.